HomeChức Tế Lễ ThánhSự thờ phượng thật

Sự thờ phượng thật

Đức Chúa Trời tìm kiếm những người thờ phượng thật

2000 năm qua, các Cơ Đốc nhân đến với nhau vào ngày Chúa Nhật để thờ phượng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, rất ít tín đồ mới nghiêm túc tự hỏi: Đức Chúa Trời có thỏa mãn với sự thờ phượng của họ không? Mỗi Chúa Nhật, Đức Chúa Trời có đẹp lòng khi dân Ngài hát ngợi khen, nghe bài giảng, dâng tiền, rồi sau đó đi về nhà để sống cuộc đời của họ không? Cơ Đốc nhân có rất nhiều quan niệm khác nhau về cách thờ phượng Đức Chúa Trời. Đối với nhiều người, thờ phượng Đức Chúa Trời là hát các bài thánh ca để tạo ra một không khí đặc biệt. Nhiều người thờ Đức Chúa Trời bằng cách cầu nguyện hay trích dẫn Kinh Thánh. Còn những người khác xem cách họ sống là thờ phượng. Tuy nhiên, câu hỏi mang tính quyết định ở đây là: Sự thờ phượng thật mà Đức Chúa Trời đang tìm kiếm và làm Ngài đẹp lòng là gì?

Chúa Giê-su có nói đến vấn đề này: “Nhưng giờ sắp đến và bây giờ đã đến, khi những người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Cha trong linh và trong sự thật, vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy. Đức Chúa Trời là Linh, và những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong linh và trong sự thật” (Giăng 4:23-24).

Kinh Thánh ít khi nói đến việc Đức Chúa Trời tìm kiếm một điều gì đó. Nhưng nếu Ngài phải tìm kiếm, thì nó phải là điều không dễ tìm thấy. Đức Chúa Trời là Cha tìm kiếm những người thờ phượng thật, là những người phải thờ phượng Cha ở trong linh và trong sự thật. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời không chấp nhận mọi hình thức thờ phượng. Trái lại, Cha muốn có một sự thờ phượng cụ thể. Vậy sự thờ phượng thật mà Cha đang tìm kiếm phải như thế nào?

Vào thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã ban cho dân Ngài, người Israel, những quy định rất cụ thể về cách họ thờ phượng Ngài. Dân Ngài không được phép thờ phượng Ngài theo cách họ muốn. Đức Chúa Trời ra lệnh: “Anh em không được làm như chúng ta đang làm ở đây hôm nay: mỗi người làm điều mình cho là phải” (Phục Truyền 12:8). Nếu lúc trước Đức Chúa Trời đã ban những chỉ thị rõ ràng về cách thờ phượng Ngài như thế nào, thì làm sao bây giờ Ngài có thể khoan dung và chấp nhận mọi hình thức thờ phượng được? Vì trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã quy định cách thờ phượng tỉ mỉ như vậy, nên trong thời Tân Ước hôm nay, Đức Chúa Trời còn mong đợi các tín đồ thờ phượng theo cách của Ngài nhiều hơn nữa! Do đó, chúng ta phải hạ mình trước Đức Chúa Trời và hỏi Ngài muốn chúng ta phải thờ phượng Ngài như thế nào. Chỉ có Kinh Thánh, do chính Đức Chúa Trời đã ban, mới có thể chỉ cho chúng ta biết cách thờ phượng mà Đức Chúa Trời đẹp lòng.

Đức Chúa Trời muốn được thờ phượng trong linh và trong sự thật

Những người thờ phượng thật là những người thờ phượng Đức Chúa Trời ở trong linh và trong sự thật. Chúa Giê-su Christ đã nói rõ điều này trong Giăng 4. Nhưng thờ phượng trong linh và trong sự thật có nghĩa là gì?

Trong linh: Trước hết, người ta phải được sinh lại bởi Linh của Đức Chúa Trời (Giăng 3:3-6). Nếu một người được sinh lại bởi đức tin nơi Chúa Giê-su và chịu báp-tem trong Đấng Christ, người đó trở thành con của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12-13), nhận được sự sống đời đời và từ đó có thể gọi Đức Chúa Trời là Cha của mình (Ga-la-ti 4:6). Đó là sự bắt đầu một cuộc đời mới. Vì sự thờ phượng thật chỉ có thể ở trong linh, nên ngay từ đầu Cơ Đốc nhân phải học bước đi trong linh mỗi ngày (Ga-la-ti 5:16, 25) và nhận biết Linh của Đức Chúa Trời (1.Cô-rinh-tô 2:10-16). Đó là điều kiện đầu tiên để trở thành một người thờ phượng thật.

Trong sự thật: Điều kiện thứ hai là phải thờ phượng trong sự thật. Trong tiếng Hy Lạp, từ “sự thật” cũng có nghĩa là “thực tế”. Như vậy, khi Chúa Giê-su nói người thờ phượng thật phải thờ phượng Đức Chúa Trời trong linh và trong sự thật, thì có nghĩa là trong thời Tân Ước, Đức Chúa Trời muốn có thực tế của sự thờ phượng mà đã được thực hành trong thời Cựu Ước. Tại sao? Vì có một nguyên tắc căn bản xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh: Tất cả mọi điều trong Cựu Ước là những hình bóng của những điều sẽ đến. Trong thời Tân Ước, Đấng Christ là sự ứng nghiệm và thực tế của mọi điều trong Cựu Ước. Hê-bơ-rơ 10:1 nói rằng: “Vì luật pháp chỉ là hình bóng của những điều tốt đẹp sẽ tới, chứ không phải là thực tế của các vật…

Phao-lô đã viết về nguyên tắc này: “Vì thế, đừng để ai xét đoán anh em về đồ ăn, thức uống, về ngày lễ, về ngày mặt trăng mới, hay ngày Sa-bát. Chúng chỉ là cái bóng của những điều sẽ tới, còn thực chất thì ở trong Ðấng Christ” (Cô-lô-se 2:16-17). Tất cả những quy định và điều răn của Đức Chúa Trời trong thời Cựu Ước, như đồ ăn, thức uống, ngày lễ, ngày trăng mới, ngày Sa-bát,… chỉ là cái bóng của Đấng Christ. Khi Chúa Giê-su đến, Ngài đã làm ứng nghiệm tất cả những điều này và làm những điều này trở thành thực tế qua việc Ngài sống làm người trên đất, chịu đóng đinh, sống lại và lên trời. Tôi lấy ngày Sa-bát làm ví dụ minh họa: Đức Chúa Trời đã truyền cho dân Ngài trong Xuất Ai Cập 20 rằng họ phải nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, là ngày Sa-bát (câu 9-11). Nhưng khi Chúa Giê-su đến, chính Ngài là ngày Sa-bát thật, Ngài phán: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). Như thế, ngày Sa-bát (cái bóng) trong Cựu Ước đã được thay thế bởi Đấng Christ (thực tế) trong Tân Ước. Chúng ta cũng thấy điều này qua ma-na: Khi dân Israel ở trong hoang mạc, Đức Chúa Trời đã ban cho họ ma-na, bánh từ trời, để ăn (Xuất Ai Cập 16). Khi Chúa Giê-su đến, Ngài nói về chính mình: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống” (Giăng 6:51). Ma-na ở trong hoang mạc chỉ là một hình bóng của Giê-su Christ. Khi Ngài đến, ma-na đã được thay thế bởi Đấng Christ, bánh thật đến từ trời.

Như vậy, Giê-su Christ là thực tế của mọi hình bóng trong Cựu Ước. Điều này cũng đúng với vấn đề thờ phượng. Nếu chúng ta muốn hiểu sự thờ phượng thật hôm nay phải như thế nào thì chúng ta cần phải xem xét tỉ mỉ hình bóng của nó vào thời Cựu Ước.

Hình bóng của sự thờ phượng trong thời Cựu Ước

Trong Phục Truyền 12, Đức Chúa Trời truyền cho dân cách thờ phượng Ngài trong thời Cựu Ước. Ngài không muốn dân thờ Ngài theo cách dân ngoại đã thờ hình tượng của họ. Vì thế, Đức Chúa Trời bày tỏ cho dân Israel cách thờ phượng rất chi tiết: “Nhưng anh em phải tìm đến nơi mà CHÚA Đức Chúa Trời sẽ chọn từ giữa những chi phái của anh em để đặt danh Ngài, tức là nơi ngự của Ngài và anh em phải đi đến đó. Anh em sẽ đem đến đó những của lễ thiêu, các sinh tế, các của lễ dâng một phần mười, các của lễ dùng tay dâng giơ lên, các của lễ hứa nguyện, của lễ tự nguyện, và các con đầu lòng trong đàn bò và chiên của anh em. Tại đó, trước mặt CHÚA, Đức Chúa Trời của anh em, anh em sẽ cùng gia đình ăn uống và vui mừng về mọi việc tay mình làm, vì CHÚA Đức Chúa Trời đã ban phước cho anh em. Anh em không được làm như chúng ta đang làm ở đây hôm nay, tức là mỗi người làm theo điều mình cho là phải” (câu 5-8).

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã chọn núi Si-ôn ở Giê-ru-sa-lem để làm nơi thờ phượng (xem Thi Thiên 132:13-14). Mỗi năm, dân Đức Chúa Trời phải đến đó để dâng các của lễ cho Ngài. Những của lễ là các con vật, ngũ cốc; các của lễ này sẽ được thiêu trên bàn thờ để dâng cho Đức Chúa Trời. Tất cả những của lễ mà Đức Chúa Trời mong đợi từ dân Ngài được mô tả chi tiết trong Lê-vi Ký chương 1 đến chương 7. Chúng từng là thức ăn của Đức Chúa Trời (Lê-vi 3:11) và để làm Ngài đẹp lòng.

Ngay cả thời điểm thờ phượng cũng được Đức Chúa Trời ấn định rõ ràng: Ba lần trong năm: mùa xuân, mùa hè và mùa thu, ngay các dịp lễ của CHÚA, dân phải cùng nhau đến Giê-ru-sa-lem và vui mừng trước mặt Đức Chúa Trời (Phục Truyền 16:16, Lê-vi 23). Từ đâu mà họ có các con vật và ngũ cốc để làm của lễ dâng cho Đức Chúa Trời? Chúng là thành quả lao động của họ trên đất tốt lành mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Các của lễ để thờ phượng bao gồm những con đầu lòng của gia súc (Xuất Ai Cập 13:15; Phục Truyền 15:19-20) và những thổ sản đầu mùa đã thu hoạch được (Phục Truyền 26:1-2). Điều này có nghĩa gì đối với chúng ta trong thời đại Tân Ước?

Thực tại của việc thờ phượng trong Tân Ước

Ngày nay, Cơ Đốc nhân chúng ta đang sống trong thời đại của giao ước mới. Đức Chúa Trời muốn có được sự thờ phượng thật từ nơi chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải nhận ra rằng: Tất cả mọi điều luật liên quan đến việc thờ phượng mà Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài trong thời Cựu Ước đều có sự tương ứng thuộc linh và có hiện thực trong thời Tân Ước hôm nay.

1. Đối tượng của việc thờ phượng: Đức Chúa Trời, là Cha

Trong Xuất Ai Cập 34, Đức Chúa Trời phán với dân Ngài: “Vì ngươi không được thờ bất cứ thần nào khác, bởi vì CHÚA, danh Ngài là Đấng ghen tương, là một Đức Chúa Trời ghen tương” (câu 14). Qua đó, chúng ta thấy rõ ai là đối tượng của việc thờ phượng: Đức Chúa Trời, và chỉ một mình Ngài mà thôi. Ngay cả Chúa Giê-su cũng xác nhận điều này khi Ngài nói: “…vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy” (Giăng 4:23). Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần phải ý thức rằng việc thờ phượng không phải dành cho bản thân chúng ta mà chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời là Cha mà thôi. Nó không liên quan đến việc chúng ta có thích hay không, mà liên quan đến việc Ngài có đẹp lòng hay không.

2. Người thờ phượng là chức tế lễ thánh

Vào thời Cựu Ước, những người thờ phượng là các thầy tế lễ, họ dâng của lễ lên bàn thờ cho Đức Chúa Trời (Lê-vi Ký 1:8-9). Lúc đầu, Đức Chúa Trời muốn có một vương quốc các thầy tế lễ (Xuất Ai Cập Ký 19:6). Trong thời giao ước mới, ý định của Đức Chúa Trời cũng không hề thay đổi: “[Giê-su Christ], Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình giải thoát chúng ta khỏi những tội lỗi, và làm chúng ta trở thành các vua và các thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời và Cha Ngài” (Khải Huyền 1:5-6). Ngày nay tất cả các tín đồ là thầy tế lễ, chứ không chỉ một nhóm người đặc biệt được giáo hội bổ nhiệm. Đức Chúa Trời là Cha muốn tất cả các Cơ Đốc nhân thực hiện chức vụ thầy tế lễ trong linh và trong thực tại.

3. Nơi thờ phượng: Hội Thánh là Giê-ru-sa-lem thuộc trời

Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời chỉ cho phép thờ phượng Ngài ở một nơi duy nhất là Núi Đền ở Giê-ru-sa-lem, là núi Si-ôn. Chúa bày tỏ cho chúng ta điều này trong Thi Thiên 132: “Vì CHÚA đã chọn Si-ôn; Ngài ước ao được ở tại đó” (câu 13). Trong thời Tân Ước cũng có một Giê-ru-sa-lem là nơi thờ phượng thật. Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem này không thuộc đất nữa mà thuộc trời: “Nhưng anh em đã đến núi Si-ôn, đến thành của Đức Chúa Trời hằng sống, là Giê-ru-sa-lem thuộc trời,… và đến Hội Thánh của những con trưởng” (Hê-bơ-rơ 12:22-23). Ngày nay, tất cả các tín đồ trong Hội Thánh phải có bản chất thuộc trời. Điều này làm sao có thể được? Mọi tín đồ trong Hội Thánh phải học để bước đi trong Linh. Để trở thành Hội Thánh mà Đức Chúa Trời chấp nhận làm nơi thờ phượng thì không phải là điều dễ dàng. Các tổ chức và giáo hội Cơ Đốc được xây dựng bằng khả năng của con người thì không thể nào được Ngài xem là nơi thờ phượng thật. Cho dù Hội Thánh có cái tên theo đúng Kinh Thánh cũng không đủ, mà chính Đức Chúa Trời phải là người xây dựng duy nhất (xem Hê-bơ-rơ 11:10).

4. Đức Chúa Trời muốn chúng ta thờ Ngài như thế nào? Bằng Đấng Christ là các của lễ thuộc linh

Trong thời Cựu Ước, những người Israel thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách dâng cho Ngài các của lễ khác nhau. Các của lễ này được mô tả cụ thể trong Lê-vi Ký chương 1 đến chương 7. Ngày nay, trong thời Tân Ước, Giê-su Christ là thực tế của tất cả các của lễ này. Khi sống trên đất, Ngài đã thay thế từng của lễ (cái bóng) bằng chính Ngài là thực tế (xem Hê-bơ-rơ 10:1-9). Bây giờ Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta mỗi ngày kinh nghiệm Đấng Christ tuyệt vời này là thực tại thuộc linh của các của lễ, để dâng lên cho Cha vào dịp lễ. Phi-e-rơ có nói về điều này: “Và anh em cũng như những viên đá sống, được xây dựng thành nhà thuộc linh, làm chức tế lễ thánh, để dâng những của lễ thuộc linh đẹp lòng Đức Chúa Trời nhờ Giê-su Christ” (1.Phi-e-rơ 2:5).

Sách Lê-vi Ký chương 1 đến 7 cho chúng ta thấy năm của lễ chính mà Đức Chúa Trời muốn nhận được từ dân Ngài. Sau đây là năm của lễ chính và sự tương ứng của các của lễ này trong thời Tân Ước:

  • Của lễ thiêu: Đấng Christ là người hoàn toàn tuyệt đối cho Cha, luôn là một với Cha, và vâng lời Cha trong mọi sự. Vì thế, chúng ta phải kinh nghiệm Đấng Christ như vậy để vâng lời Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn của Ngài (Giăng 6:38; 8:29; 10:30).
  • Của lễ thức ăn: Của lễ này bày tỏ nhân tính tốt lành, không phạm tội và trọn vẹn của Chúa Giê-su, nhân tính luôn sẵn sàng chịu mọi đau khổ. Nhân tính tinh sạch của Chúa Giê-su là bánh của sự sống mà chúng ta phải ăn (Giăng 6:48-51) và nhân tính này cũng là người mới mà chúng ta phải mặc lấy (Ê-phê-sô 4:22-24; Cô-lô-se 3:9-10).
  • Của lễ hòa bình: Của lễ này cho biết Đấng Christ đã hoàn toàn hòa giải chúng ta với Đức Chúa Trời như thế nào và chúng ta có thể sống trong hòa bình trọn vẹn với Đức Chúa Trời và với loài người ra sao (xem Ê-phê-sô 2:14-18).
  • Của lễ chuộc tội lỗi: Đấng Christ đã giải phóng chúng ta khỏi sự thống trị của tội lỗi và Ngài muốn xử lý gốc rễ của tội lỗi ở trong chúng ta (xem Rô-ma 6:9-11).
  • Của lễ chuộc sự vấp phạm: huyết báu của Chúa Giê-su tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội và vấp phạm và Ngài muốn thánh hóa chúng ta (xem 1.Giăng 1:9).

Bên cạnh năm của lễ chính này, Đức Chúa Trời còn yêu cầu của lễ thức uống, còn gọi là lễ quán (Lê-vi 23:13, 18, 37). Của lễ này được dâng kèm theo các của lễ khác, được dâng bằng cách đổ rượu trên bàn thờ. Của lễ thức uống cho biết Đấng Christ đã sẵn sàng để đổ toàn bộ sự sống của Ngài cho Đức Chúa Trời và chết trên thập tự giá. Sứ đồ Phao-lô cũng nói rằng ông “sẽ bị đổ ra để làm của lễ thức uống” (Phi-líp 2:17). Khi ông sắp tử đạo, ông đã viết cho Ti-mô-thê: “ta sắp bị đổ ra như làm của lễ thức uống, giờ qua đời của ta gần rồi” (2.Ti-mô-thê 4:6).

Nếu trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta kinh nghiệm được Đấng Christ là thực tế của các của lễ, cuộc sống chúng ta sẽ thay đổi và qua đó chúng ta sẽ được biến đổi trong hình ảnh Đấng Christ. Kinh nghiệm tốt nhất với Đấng Christ chúng ta “ghi nhớ” đặc biệt để làm của lễ thuộc linh dâng cho Cha. Nhưng chúng ta dâng của lễ này cho Cha như thế nào?

5. Chúng ta dâng Đấng Christ như là của lễ thuộc linh – Bông trái của môi miệng

Vào thời Cựu Ước, người Israel dâng các sinh tế và của lễ thức ăn lên bàn thờ trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Sau khi của lễ được chuẩn bị xong, các thầy tế lễ đốt một phần của lễ trên bàn thờ để làm của lễ dùng lửa dâng lên cho Đức Chúa Trời. Khói bay lên là “hương thơm dễ chịu cho CHÚA” (Lê-vi 1:9, 13, 17). Tuy nhiên, chúng ta thực hành điều này như thế nào trong thời Tân Ước hôm nay? Lời Chúa có nói về điều này: “Vậy nhờ Ngài, chúng ta hãy liên tục dâng của lễ của sự ngợi khen cho Đức Chúa Trời, đó là bông trái của môi miệng tuyên xưng danh Ngài” (Hê-bơ-rơ 13:15). Câu này được trích dẫn từ Ô-sê 14:2 “Các ngươi hãy đem lời nói mà trở lại cùng CHÚA! Hãy thưa với Ngài rằng: Xin hãy tha thứ mọi tội ác chúng con và nhậm điều tốt lành, để chúng con dâng bông trái của môi miệng chúng con làm của lễ“. Trong bản gốc Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, chữ “bò tơ đực“ được dùng ở vị trí chữ “bông trái“. Như vậy ở đây có nghĩa là “để chúng con dâng bò tơ đực của môi miệng chúng con làm của lễ“. Có lẽ cụm từ “bò tơ đực của môi miệng“ nghe có vẻ xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, câu Kinh Thánh này bày tỏ không thể nhầm lẫn cách chúng ta ngày nay trong thời Tân Ước phải dâng Đấng Christ – thực tế của “bò tơ đực“ này – làm của lễ thuộc linh như thế nào: Đó là bởi môi miệng chúng ta. Sau khi chúng ta kinh nghiệm của lễ thiêu, chúng ta phải dâng của lễ này như là “bò tơ đực của môi miệng chúng ta“. Như vậy, chúng ta thấy mối liên hệ giữa chúng ta với các của lễ có hai mặt. Một mặt, chúng ta trải nghiệm Đấng Christ qua các của lễ thuộc linh khác nhau trong đời sống hằng ngày. Mặt khác, chúng ta phải dùng miệng để dâng của lễ tốt nhất trong các của lễ này. Sau đó thì “hương thơm dễ chịu“ mới tỏa lên cho Cha. Nhưng Đức Chúa Trời quy định thời gian nào để dâng của lễ cho Ngài?

6. Việc thờ phượng phải diễn ra khi nào? Vào lễ tại Bàn của Chúa.

Trong thời Cựu Ước, ba lần trong năm, dân Do Thái phải mừng các lễ. Các lễ này chính là Bàn của Chúa trong thời Tân Ước mà chúng ta mừng vào ngày thứ nhất của tuần lễ (xem Công Vụ 20:7), đó là ngày Chúa Nhật. Buổi nhóm bên Bàn của Chúa là thời điểm mà Đức Chúa Trời quy định để chúng ta dâng các của lễ thuộc linh để thờ phượng Ngài. Trong Ma-thi-ơ 26:17-29, Chúa Giê-su đã thiết lập Bàn của Ngài ngay đúng vào lễ Vượt Qua. Các tín đồ phải mừng tiệc này cho đến khi Chúa trở lại. Trong thời Tân Ước ngày nay, tất cả các lễ của Cựu Ước được bao gồm trong Bàn của Chúa. Tại đó, chúng ta nhớ lại những gì Chúa đã làm và việc Ngài sẽ trở lại trái đất để làm Vua.

Lê-vi Ký 23 trình bày bảy lễ mà Đức Chúa Trời quy định cho dân Ngài. Bảy lễ này được chia thành hai nhóm:

Những gì Đấng Christ đã làm trong lần đến đầu tiên 

  • Lễ Vượt Qua: Đấng Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta (Giăng 1:29) và Ngài muốn cứu chúng ta hoàn toàn ra khỏi thời đại gian ác hiện tại (Ga-la-ti 1:4).
  • Lễ Bánh Không Men: Giê-su là bánh thật đến từ trời mà chúng ta phải ăn, để sống bởi Ngài (Giăng 6:57) và loại bỏ tất cả men trong chúng ta (như tội lỗi, tôn giáo, giả dối, xấu xa, gian ác,…) (1.Cô-rinh-tô 5:6-8).
  • Lễ Trái Đầu Mùa: Đấng Christ đã sống lại từ kẻ chết, Ngài là người được sinh đầu tiên từ kẻ chết (Cô-lô-se 1:18) để hủy diệt sự chết (2.Ti-mô-thê 1:10) và ban sự sống phục sinh của Ngài cho chúng ta (1.Cô-rinh-tô 15:20-22, 45), để chúng ta cũng thắng mọi sự chết bên trong chúng ta.
  • Lễ Ngũ Tuần: Đấng Christ đã lên trời, đến ngai của Đức Chúa Trời để trở thành Đầu của Hội Thánh (Ê-phê-sô 1:22) và để tuôn đổ Thánh Linh xuống cho việc xây dựng Hội Thánh (Công Vụ 1: 8; 2:1-4).

Trong lần đến đầu tiên, Giê-su Christ đã làm ứng nghiệm hoàn toàn bốn lễ này. Bên Bàn Chúa, chúng ta nhớ đến những việc mà Ngài đã hoàn thành cho đến khi Ngài trở lại (Ma-thi-ơ 26:26-30; 1 Cô-rinh-tô 11:24-26).

Ba lễ cuối liên quan tới lần đến thứ hai của Đấng Christ. Các lễ này cho chúng ta biết:

Chúng ta chuẩn bị cho sự trở lại của Ngài

  • Lễ Thổi Kèn: chúng ta thổi kèn bằng cách nói sự thật trong tình yêu thương để tập hợp và cảnh báo dân Đức Chúa Trời (Dân Số 10:1-10; Khải Huyền 18:4).
  • Lễ Hòa Giải: chúng ta từ bỏ đời sống tâm hồn của mình để đi theo Chúa (Ma-thi-ơ 16:24), và để chúng ta được hòa giải hoàn toàn với Đức Chúa Trời (2 Cô-rinh-tô 5:20).
  • Lễ Lều Tạm: chúng ta sống như khách lạ và người lữ hành trong thế giới này (1 Phi-e-rơ 2:11) vì thế giới này và mọi lạc thú của nó sẽ qua đi (1.Giăng 2:15-17). Qua đó, chúng ta chuẩn bị cho vương quốc ngàn năm sắp tới (Xa-cha-ri 14:16-19).

Nếu kinh nghiệm được thực tế của tất cả các lễ này trong đời sống hàng ngày và vui hưởng tất cả sự đầy đủ của các lễ bên Bàn của Chúa, chúng ta sẽ được chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa. Đức Chúa Trời đã thiết lập buổi nhóm lễ bên Bàn của Chúa để các tín đồ tưởng nhớ đến công việc của Đấng Christ và thờ phượng Đức Chúa Trời là Cha bằng các của lễ thuộc linh.

7. Chuẩn bị các của lễ thuộc linh bằng cách lao động trên Đấng Christ, là đất tốt lành

Vào thời Cựu Ước, dân Đức Chúa Trời phải lao động ở trong đất tốt lành để chuẩn bị các của lễ cho việc thờ phượng. Đất tốt lành lúc đó là xứ Ca-na-an mà Đức Chúa Trời đã dẫn họ vào sau khi ra khỏi Ai Cập và đi trong hoang mạc. Đó là một vùng đất tươi tốt và màu mỡ (Phục Truyền 8:7-10). Ngày nay, vào thời Tân Ước, Chúa Giê-su Christ là thực tế của đất tốt lành. Phao-lô nói đến phần cơ nghiệp của các thánh, cụ thể là đất tốt lành mà chúng ta đã nhận được trong Đấng Christ (Cô-lô-se 1:12, Công Vụ 26:18). Các tín đồ phải lãnh nhận đất tốt lành (Đấng Christ) và bước đi trong đó. Phao-lô nói: “Anh em đã nhận Christ Giê-su thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy” (Cô-lô-se 2:6). Để chuẩn bị các của lễ thuộc linh cho Đức Chúa Trời là Cha, chúng ta phải học bước đi mỗi ngày trong Đấng Christ và lao động chăm chỉ trên đất tốt lành là Chúa (2 Phi-e-rơ 1:3-11).

8. Mục tiêu của việc thờ phượng là làm Đức Chúa Trời thỏa lòng và chúng ta được trở nên trọn vẹn

Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của sự thờ phượng thật là làm Cha thỏa lòng và thực hiện ý Cha. Nếu Chúa có thể làm thức tỉnh lòng chúng ta, những khao khát này dần dần sẽ hình thành trong lòng chúng ta nhiều hơn. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã thiết lập sự thờ phượng thật cũng để mang các tín đồ đến sự trưởng thành trọn vẹn (Cô-lô-se 1:28; Hê-bơ-rơ 6:1). Đức Chúa Trời biết rõ cách này sẽ mang các tín đồ đến mục tiêu. Bởi vì, cuối Kinh Thánh, các tín đồ trưởng thành được gọi là các trái đầu mùa. Họ sẽ được cất lên núi Si-ôn trên trời để làm thỏa lòng Cha (Khải Huyền 14:4).

T.W.

(Dịch từ bản tiếng Đức: Die wahre Anbetung – Auflage 2 của himmlisches-jerusalem.de)

RELATED ARTICLES
8,460FansLike
303FollowersFollow
7FollowersFollow
8,950SubscribersSubscribe

Bài mới nhất