HomePhúc ÂmSự ấn định dành cho loài người: Vui hưởng Đức Chúa Trời...

Sự ấn định dành cho loài người: Vui hưởng Đức Chúa Trời là sự sống

Jêsus Christ là sự sống thật

Hình thức cao nhất của sự sống được tượng trưng bởi cây sự sống chính là Chúa Jêsus Christ. Sự sống này là Đức Chúa Trời, Đấng đã đến với chúng ta trong hình hài một con người. Đó chính là sự sống của Đức Chúa Trời ở trong con người của Chúa Cứu Thế Jêsus, Đấng đã trở nên xác thịt và đã được bày tỏ cho chúng ta (Giăng 1:14). Vì thế, Chúa Jêsus nói: “Ta là … sự sống” (Giăng 11:25; 14:6) và “Ta đã đến để cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10b). Ngài không chỉ đến để chết cho chúng ta và để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, nhưng còn hơn thế nữa qua việc cứu chuộc, Ngài đã mang chúng ta trở lại để hưởng thụ sự sống thật là Đức Chúa Trời, sự sống mà A-đam đã đánh mất sau khi bị sa ngã.

Sau khi con người sa ngã, tội lỗi đã xâm nhập vào bên trong con người, và con người bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen. Con người đã đánh mất sự hưởng thụ đích thực và vĩnh cữu, nghĩa là bị mất quyền ăn trái của cây sự sống. Do đó, con người luôn sáng tạo ra những thú vui hưởng thụ thay thế, ví dụ như văn hóa, tôn giáo, các loại hình giải trí, vui chơi, kể cả mọi sự thèm khát của xác thịt và tội lỗi để làm thỏa mãn tâm hồn và thân thể mình. Con người hưởng thụ tất cả, nhưng không bao giờ có thể thực sự được thỏa mãn. Khi con người tìm thấy một cái gì đó, thì nó chỉ là sự thỏa mãn tạm thời cho nhu cầu về tâm hồn và thân xác. Con người không thể tìm được sự thỏa mãn thực sự cho nơi sâu thẳm nhất của mình, là ở trong tâm linh. Vì lý do này mà Đức Chúa Trời đã đến trong Chúa Jêsus Christ và chết trên thập giá cho tội lỗi chúng ta, trước tiên là để hòa giải chúng ta với chính Ngài. Sau đó, vào ngày thứ ba, Ngài đã sống lại để trở thành Thánh Linh ban sự sống cho tất cả những ai tin Ngài. Như thế, Ngài đã mở một con đường để chúng ta có thể trở lại với sự hưởng thụ đích thực mà chúng ta đã được tạo nên: là tận hưởng sự sống đời đời là sự sống còn mãi và làm chúng ta thỏa mãn đến đời đời.

Ai ăn Ta, thì sẽ sống …

Trong sách Phúc Âm Giăng, chúng ta thấy Chúa Jêsus chỉ dùng năm cái bánh mì và hai con cá để cho năm ngàn người đang đói ăn. Và ngày hôm sau, khi họ trở lại vì phép lạ này, Chúa đã chỉ cho họ một loại thức ăn khác, qua việc Ngài nói: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, các ngươi tìm Ta chẳng phải vì đã thấy mấy phép lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được no. Hãy làm việc, chớ vì đồ ăn hay hư nát, nhưng vì đồ ăn còn mãi đến sự sống đời đời, là thức ăn mà Con Người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Đấng, mà chính Đức Chúa Trời, là Cha, đã ấn chứng cho” (Giăng 6:26-27). Sau đó, Chúa nói trong câu 35: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng Ta chẳng hề đói, và ai tin Ta chẳng hề khát” và trong câu 57: “Như Cha, là Đấng hằng sống, đã sai Ta đến, và Ta sống bởi Cha; cũng một thể ấy người nào ăn Ta, sẽ sống bởi Ta vậy“. Cuối cùng trong câu 63, Chúa giải thích: “Ấy là Thánh Linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời Ta phán cùng các ngươi đều là Thánh Linh và sự sống“.

Ăn có nghĩa là tiếp nhận cái gì đó vào bên trong và tiêu hóa nó, như thế để nó trở thành một phần của chính mình. Cũng trong ý nghĩa này, Chúa muốn chúng ta ăn Ngài và thưởng thức Ngài. Chúng ta phải tiếp nhận Lời Ngài vào trong tâm linh chúng ta bằng cách chúng ta dùng Lời để cầu nguyện và trộn lẫn với đức tin (Hê-bơ-rơ 4:2). Những Lời của Chúa không phải là lý thuyết suông mà là Thánh Linh và sự sống. Nó hoàn toàn là một vấn đề thuộc về sự sống. Chúng ta phải tiếp nhận sự sống của Ngài bằng tâm linh! Theo suy nghĩ tự nhiên và quan niệm tôn giáo của chúng ta, một Cơ Đốc nhân (Ky-tô hữu) tốt chỉ cần phải biết Kinh Thánh, phục vụ Đức Chúa Trời, thờ phượng Ngài và giữ các điều răn của Ngài. Nhưng qua cách này, chúng ta không thể đạt được mục tiêu. Vì ở đây không liên quan đến một việc làm gì đó ở bên ngoài hay một cách cư xử cụ thể, mà nó chỉ liên quan đến điều ở bên trong, đến sự sống đời đời của Đức Chúa Trời. Mặc dù trong Cựu Ước có lời hứa ban sự sống cho những ai giữ gìn luật pháp (Lê-vi Ký 18:5), nhưng con người sa ngã không có khả năng giữ luật pháp được. Trái lại, trong Tân Ước Chúa nói: “người nào ăn Ta, sẽ sống bởi Ta“. Không phải bởi sự nỗ lực và việc làm mà chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời, nhưng bởi chúng ta ăn và thưởng thức Jêsus Christ, là Đức Chúa Trời và là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta! Điều này mâu thuẫn với quan niệm tôn giáo của chúng ta cũng như đối với quan niệm của những người Do Thái đã tụ ở Ca-bê-na-um vào thời Chúa. Sự nỗ lực và việc làm của chúng ta chỉ là sự đáp ứng bổn phận tôn giáo ở bên ngoài, có thể thỏa mãn tâm hồn tôn giáo của chúng ta tạm thời, nhưng cuối cùng lại làm chúng ta thất vọng. Trái lại, ăn Đức Chúa Trời thì nuôi dưỡng sự sống bên trong của chúng ta, đổ đầy và thêm sức cho tâm linh chúng ta và làm thỏa lòng chúng ta lẫn Đức Chúa Trời. Chỉ như vậy, chúng ta mới trở thành những người đi trong đường lối của Chúa, cũng như là người thực sự giữ Lời Ngài và thực hiện ý muốn của Ngài.

Đấng Christ, bởi Thánh Linh và danh của Ngài, trở nên thật sẵn sàng cho chúng ta

“Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống! … Nhưng Ngài phán điều đó để chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển” (Giăng 7:37, 39). Các lễ hội tôn giáo thường chỉ đem lại niềm vui giả dối vì chúng chỉ làm chúng ta được thỏa mãn bề ngoài một cách tạm thời. Sau đó, chúng ta lại cảm thấy khát như trước. Chỉ có Jêsus Christ, chính là sự sống, mới có thể làm chúng ta được thỏa mãn. Chỉ có Ngài mới là lễ hội thật và sự hưởng thụ thật. Chúa là nước của sự sống, có thể dập tắt sự khao khát cháy bỏng về Đức Chúa Trời trong tâm linh chúng ta. Chúng ta thường bị lầm lạc bởi tư tưởng tôn giáo cho rằng “chỉ cần làm theo luật lệ và cư xử tốt là đủ rồi”. Tuy nhiên, tâm linh chúng ta lại thèm khát Đức Chúa Trời hằng sống, nó mong mỏi rằng kinh nghiệm và hiện thực của Đức Chúa Trời hằng sống là cuộc sống của chúng ta và cuộc sống này chính là Đấng Christ.

Bởi sự phục sinh mà Chúa Jêsus đã trở thành “Thánh Linh ban sự sống” (1.Cô-rinh-tô 15:45). Lẽ thật này hoàn toàn phù hợp với điều mà Chúa đã loan báo trong Giăng 7:37-39. Sau khi phục sinh và được vinh hiển, Ngài đã trở thành Thánh Linh ban sự sống, và vì vậy, Ngài có thể vào trong tâm linh chúng ta và luôn sẵn sàng cho chúng ta trong mọi lúc. Ngài như là không khí bao quanh chúng ta, không khí mà chúng ta có thể hít thở để sống. Không phải ngẫu nhiên mà từ “tâm linh” trong tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái vừa có nghĩa là “hơi thở” và “gió” hay “không khí”.

Thánh Linh và danh Chúa

Chúa không chỉ ban Thánh Linh của Ngài cho chúng ta mà còn ban danh của Ngài cho chúng ta, vì “để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:31). Danh của Chúa trong Kinh Thánh thường được liên hệ chặt chẽ với Thánh Linh. Trong 1.Cô-rinh-tô 6:11 nói rằng:… trong danh Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ và trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta” và trong 1.Cô-rinh-tô 12:3 “Nếu không bởi Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa!” Nhiều Cơ Đốc nhân chỉ dùng danh Chúa để cầu xin một điều gì đó hay làm một việc tốt, hay để nói tiên tri, hay để trừ quỷ như trong Ma-thi-ơ 7:22 mô tả. Thực ra điều này có nghĩa là họ dùng danh Chúa để biện minh cho hành động của họ, hành động này thường không tương ứng với ý muốn của Đức Chúa Trời.

Chúa đã ban danh của Ngài cho chúng ta, để thông qua danh Ngài chúng ta có thể tận hưởng được sự sống giàu có của Chúa đang ngự trong chúng ta. Khi chúng ta xưng nhận danh Ngài bằng miệng của mình và gọi tên Ngài một cách đơn giản với một tấm lòng trong sạch, chúng ta có thể thông công với Ngài luôn luôn. Ngài thật giàu ơn cho tất cả những ai gọi danh Ngài (Rô-ma 10:9-13) và sự giàu có này, chính là Chúa, là sự hưởng thụ bất tận và ngày càng tăng của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ biết điều gì đó về Chúa cách khách quan, thì sự hiểu biết này không phải là sự hưởng thụ thật mà Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta. Có thể hiểu biết của chúng ta về Chúa rất toàn diện và sâu sắc, tuy nhiên nó không thể làm thỏa mãn tâm linh chúng ta ở sâu trong bản thể của mỗi người. Sự hưởng thụ thật có nghĩa là có mối quan hệ sống động với Đức Chúa Trời hằng sống đang ở trong tâm linh chúng ta. Thật vậy, chúng ta thậm chí đã được kêu gọi vào sự thông công này (1.Cô-rinh-tô 1:9).

Ngày nay, trong danh của Chúa thì Ngài thật gần gũi với chúng ta! Chúng ta có thể tin vào danh này, chúng ta có thể cầu nguyện trong danh này. Cũng trong danh Chúa, chúng ta có thể cầu xin Cha tất cả mọi điều, cũng như được rửa sạch, được đổ đầy và được toàn thắng trong danh Ngài. Chúng ta có thể kinh nghiệm Chúa theo một cách sống động, phong phú, mạnh mẽ, thật thỏa mãn và không gì so sánh được! Ngài thực sự là hưởng thụ tột đỉnh của chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta gọi tên Ngài (Phục Truyền. 4:7).

Trở về Ê-đen

Lời hứa đầu tiên của Chúa dành cho những người đắc thắng trong sách Khải Huyền, trong thư gửi cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô chính là: “Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Pa-ra-đi của Đức Chúa Trời” (Khải Huyền 2:7). Lời hứa này dành cho Hội Thánh mà tình yêu đầu tiên dành Chúa đã không còn nữa, đồng thời Chúa cũng kêu gọi tất cả chúng ta trở về với cây sự sống, với chính Đức Chúa Trời và với sự hưởng thụ Ngài như là sự sống. Chỉ qua sự hưởng thụ này, Chúa mới có thể trở thành tình yêu ban đầu của chúng ta. Càng yêu Chúa, chúng ta càng khát khao tận hưởng Ngài nhiều hơn và càng ăn trái của cây sự sống nhiều hơn. Yêu Chúa và ăn trái của cây sự sống là một. Vì thế lời kêu gọi cuối cùng trong Kinh Thánh cho dân Chúa là một lời mời gọi đến hưởng thụ: “Thánh Linh và cô dâu cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, hãy đến. Kẻ nào muốn, hãy nhận lấy nước sự sống miễn phí” (Khải Huyền 22:17). Đây là lời kêu gọi chúng ta trở về với sự hưởng thụ thật, trở về với vườn Ê-đen trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Nếu chúng ta biết rằng chúng ta có một Đức Chúa Trời tuyệt vời như thế nào và Ngài là sự hưởng thụ vinh hiển làm sao đối với chúng ta, thì chúng ta sẽ yêu Chúa Jêsus hơn tất cả! Chẳng có gì có thể sánh được với Ngài. Phi-e-rơ cho biết rằng chúng ta có thể nếm được Ngài ngọt ngào làm sao (1.Phi-e-rơ 2:3). Đức Chúa Trời muốn chúng ta hưởng thụ Ngài như là sự sống và là tất cả của chúng ta. Thật vậy, Đức Chúa Trời muốn chúng ta ăn Ngài (Giăng 6:48-58), uống Ngài (Giăng 7:37) và luôn hít thở Ngài (Giăng 20:22). Đức Chúa Trời của chúng ta mong muốn chúng ta đến với Ngài và khám phá Ngài là sự hưởng thụ thật của chúng ta. Nếu bạn nghe Ngài gọi, hãy đến! Nếu bạn khát, hãy đến! Nếu bạn muốn, hãy tiếp nhận Ngài vào làm sự sống thật, bằng cách bạn tin vào Ngài và gọi danh tuyệt vời của Ngài.

Phước cho những người giặt áo mình để được quyền đến nơi cây sự sống, và được bước qua các cửa vào trong thành” (Khải Huyền 22:14)    J.S.

(Dịch từ bản tiếng Đức: “Die Bestimmung des Menschen: Gott als Leben genießen ” của John So)

RELATED ARTICLES
00:04:16

Từ bóng tối đến ánh sáng

Sự sống đời đời

8,460FansLike
303FollowersFollow
7FollowersFollow
8,950SubscribersSubscribe

Bài mới nhất