Phi-e-rơ được nhắc đến nhiều lần trong sách Tân Ước. Chúa đã sử dụng người này ngay từ đầu cho mục đích của Ngài và thậm chí cuối cùng đã biến ông thành một cái nền của bức tường thành Giê-ru-sa-lem Mới (xem Khải Huyền 21:14). Nếu chúng ta phải chọn một người để cộng tác, chúng ta chắc chắn sẽ chọn một người có chuyên môn cao và có trình độ học vấn tốt. Nhưng Phi-e-rơ là người như thế nào? Ông là một người đánh cá đơn giản. Những người đánh cá vào thời đó là những người khá thô sơ và thường không được học hành. Chúng ta có chọn một nhân viên như vậy không? Chắc là không. Nhưng Chúa Giê-su lại chọn một người như vậy.
Một người tội lỗi
Trong sách Lu-ca chương 5, Phi-e-rơ cùng ở trên thuyền với Chúa Giê-su. Sau một đêm không đánh bắt được gì cả, Chúa Giê-su truyền lệnh quăng lưới ở phía bên kia thuyền. Sau khi làm như vậy, họ bắt được nhiều cá đến nỗi thuyền sắp chìm. Phản ứng của Phi-e-rơ là gì? Ông có vui mừng rao truyền phép lạ lớn của Chúa ở khắp mọi nơi không? Không. Phản ứng của ông là:“ Si-môn Phi-e-rơ thấy vậy, liền quỳ suống xuống ngang đầu gối Giê-su và thưa: Lạy Chúa, xin lìa khỏi tôi, vì tôi là người có tội“ (Lu-ca 5:8).
Tất cả các môn đồ của Chúa Giê-su đều cảm thấy mình không xứng đáng. Lịch sử Giáo hội thậm chí còn kể rằng lúc bị hành quyết, Phi-e-rơ đã yêu cầu những người hành quyết đóng đinh ông ngược đầu xuống dưới, vì ông không xứng đáng bị đóng đinh giống như Chủ của mình. Chúa Giê-su đã chọn những người như vậy.
Tất cả các môn đồ đều nhận ra rằng họ là người tội lỗi. Ngay cả sứ đồ Phao-lô cũng nhận ra điều này. Mặc dù là một trong những nhà thần học giỏi nhất vào thời đó và đã học được từ thầy Gamaliel, nhưng Phao-lô tự cho mình là kẻ tồi tệ nhất trong tất cả những người tội lỗi. Ông nói: „Ðây là lời đáng tin cậy và đáng chấp nhận hoàn toàn: Giê-su Christ đã đến thế giới để cứu những người tội lỗi; trong những người ấy ta là kẻ đứng đầu“ (1.Ti-mô-thê 1:15).
Sự chọn lựa của Chúa Giê-su Christ không dựa trên trình độ học vấn của chúng ta, nhưng liên quan đến ý thức bên trong. Càng biết Chúa, chúng ta càng nhận ra rằng chúng ta không đủ điều kiện để phục vụ Ngài. Đây là điều rất lành mạnh. Nếu không nhận thức điều này cách sâu sắc, chúng ta không thể là những sứ đồ được Chúa sai đi.
Sự biến đổi
Sau đó, Chúa đã ban cho Phi-e-rơ một khải thị tuyệt vời. Phi-e-rơ nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống (xem Ma-thi-ơ 16:16-17). Ngay lập tức, Chúa Giê-su đổi tên của Phi-e-rơ (tên của ông trước đó là Si-môn, con Giô-na). Việc đổi tên này cho thấy sự biến đổi. Phi-e-rơ không nên giống như trước nhưng ông đã được biến đổi thành một viên đá sống có thể được dùng để xây nhà của Đức Chúa Trời. Sự biến đổi này cần thời gian và đòi hỏi nhiều hoàn cảnh, đau khổ và thử thách. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu của đức tin: sự cứu rỗi tâm hồn của chúng ta (1.Phi-e-rơ 1:6-9). Gia-cốp trong Cựu Ước cũng là một ví dụ về một người đã được Đức Chúa Trời đổi tên (xem Sáng Thế Ký 32:28). Đức Chúa Trời đã biến đổi một kẻ lừa dối trước đây (Gia-cốp) thành một hoàng tử của Đức Chúa Trời (Israel).
Từ bỏ chính mình
Lúc đó, Phi-e-rơ chưa được biến đổi hoàn toàn. Chúng ta có thể thấy được điều này qua phản ứng của ông trong Ma-thi-ơ 16:22-23. Ngay sau khi nhận được khải thị tuyệt vời về Đấng Mê-si, chính Sa-tan đã nói qua Phi-e-rơ. Sao có thể như vậy được? Phi-e-rơ vẫn chưa học cách để từ bỏ sự sống tâm hồn sa ngã của mình: „Sau đó, Giê-su phán cùng môn đồ của mình rằng: Nếu ai muốn theo Ta, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta. Vì ai muốn cứu sự sống tâm hồn mình thì sẽ mất, còn ai vì Ta mà mất sự sống tâm hồn mình thì sẽ tìm lại được“ (Ma-thi-ơ 16:24-25).
Chúng ta phải học để từ bỏ chính mình. Nhưng tiếc là chúng ta không làm như vậy, mà còn bối rối trong nhiều việc và không biết ý Chúa là gì. Khi chúng ta bối rối, có nghĩa là chúng ta đang ở trong xác thịt. Nếu chúng ta ở trong Linh thì sẽ rõ ràng và không lẫn lộn. Chúng ta hãy từ chối chính mình, bởi vì khi đó sự biến đổi cũng có thể xảy ra.
(Dịch từ bài „Petrus, ein Apostel Jesu Christi“ của Himmlisches-Jerusalem.de)