Lời giới thiệu
Ngày nay có rất nhiều quan niệm khác nhau về việc thờ phượng Đức Chúa Trời như đi dự lễ thờ phượng vào ngày Chúa Nhật, hay là hát những bài thánh ca hay để ngợi khen Đức Chúa Trời, cầu nguyện với Chúa, hoặc thậm chí sấp mình trước mặt Ngài. Nhưng anh em có bao giờ hỏi Đức Chúa Trời và tìm kiếm trong Kinh Thánh để biết Đức Chúa Trời muốn được thờ phượng như thế nào không?
Chúa Giê-su phán rằng “Nhưng giờ sắp đến và bây giờ đã đến, khi những người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Cha trong linh và trong sự thật, vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy. Đức Chúa Trời là Linh, và những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong linh và trong sự thật” (Giăng 4:23-24).
“Nhưng giờ sắp đến và bây giờ đã đến”, nói đến sự ra đời của thời đại Tân Ước bởi Chúa Giê-su. Vào thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã yêu cầu dân Ngài hai điều liên quan đến việc thờ phượng Ngài là: 1) nơi Đức Chúa Trời chọn, đó là đền thờ tại Giê-ru-sa-lem và 2) mang các của lễ được nhắc đến trong sách Lê-vi chương 1 đến 7 đến đền thờ.
Nơi thờ phượng: Trong giao ước mới, đền thờ thật không phải là một tòa nhà bằng vật chất, mà là Hội Thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, là núi Si-ôn, nơi các tín đồ được xây dựng với nhau như những viên đá sống để xây nên nhà thuộc linh. Đó là đền thờ thánh, là nơi ngự của Đức Chúa Trời ở trong linh, nơi đó Đấng Christ là đá góc nhà (1.Phi-e-rơ 2:4-5; Ê-phê-sô 2:20-22; 1.Ti-mô-thê 3:15). Phao-lô cho biết Đấng Christ là cái nền duy nhất của Hội Thánh (1.Cô-rinh-tô 3:10-11). Hê-bơ-rơ 12:22-23 nói rằng: “Nhưng anh em đã đến núi Si-ôn, đến thành của Đức Chúa Trời hằng sống, là Giê-ru-sa-lem thuộc trời… đến buổi nhóm lễ, đến Hội Thánh của những con trưởng”. Nhờ điều này, chúng ta hiểu nơi thờ phượng mà Chúa Giê-su nói trong Giăng 4 là nhà thuộc linh được xây bởi chính Chúa, chứ không phải bởi con người (Ma-thi-ơ 16:18; Hê-bơ-rơ 8:2; 9:11; Công Vụ 7:48).
Các của lễ: Trong thời đại giao ước mới, các của lễ không phải là các con sinh tế, vì chúng chỉ là những hình bóng để nói về Đấng Christ. Đó là lý do Giăng Báp-tít chỉ Chúa Giê-su và nói “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29). Qua đó, mọi người hiểu rằng Giê-su Christ là hiện thực của của lễ chuộc tội lỗi. Ngài là Chiên Con thật của Đức Chúa Trời. Ngài đã thay thế tất cả các sinh tế được nhắc đến trong Lê-vi 1-7, và Hê-bơ-rơ 10:6-10 đã xác nhận điều này. Chúa Giê-su là hiện thực và thực chất của tất cả các của lễ được mô tả trong Kinh Thánh.
Bây giờ chúng ta đã rõ về hai điểm liên quan đến nơi thờ phượng và các của lễ. Còn một điểm khác quan trọng mà chúng ta cần phải biết, đó là chức tế lễ. Đền thờ và những của lễ đòi hỏi phải có chức tế lễ thánh. Một đền thờ không có chức tế lễ giống như tiệm ăn có nguyên liệu thực phẩm nhưng không có người đầu bếp. Theo Kinh Thánh, ngay từ ban đầu, Đức Chúa Trời khao khát có một vương quốc những thầy tế lễ (Xuất Ai Cập Ký 19:6). Phi-e-rơ xác nhận điều này trong thư thứ nhất của ông rằng Hội Thánh là chức tế lễ thánh để dâng của lễ thuộc linh nhờ Chúa Giê-su mà đẹp lòng Đức Chúa Trời (1.Phi-e-rơ 2:5,9; Khải Huyền 1:5-6, 5:9-10). Khi chúng ta cùng nhau đến nhà của Đức Chúa Trời, tất cả mọi tín đồ phải là thầy tế lễ và học để dâng Đấng Christ như của lễ thuộc linh để làm thỏa lòng Đức Chúa Trời.
Mục đích của sách này là chỉ cho chúng ta thấy cách để trải nghiệm và có được Đấng Christ trong đời sống hằng ngày nhờ thực tế của các của lễ khác nhau. Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:6, Đức Chúa Trời đã ra lệnh cho dân Ngài không được đi tay không khi họ đến thành Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Ngài. Họ cần phải mang những của lễ khác nhau khi họ đến dự lễ tại Giê-ru-sa-lem. Đức Chúa Trời nói rằng các của lễ là thức ăn của Ngài (Dân Số Ký 28:2). Nếu tất cả tín đồ thực hành chức tế lễ bằng việc mang thực tế của Đấng Christ mà họ trải nghiệm được để dâng lên cho Cha vào mỗi ngày Chúa Nhật, điều đó sẽ làm thỏa lòng Cha. Bằng cách như vậy, các thánh đồ sẽ được lớn lên, trưởng thành và được biến đổi trong cuộc sống thuộc linh. Cha vẫn còn tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy.
Đây là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời dành cho các tín đồ để họ có được Đấng Christ trong cuộc sống hằng ngày, để sống bởi Chúa và sẵn sàng cho ngày Chúa trở lại.
Của lễ thiêu
Hê-bơ-rơ 10:5-7 nói rằng “…Chúa chẳng muốn sinh tế, cũng chẳng muốn lễ vật, nhưng Chúa đã chuẩn bị một thân thể cho tôi. Chúa chẳng vui lòng về của lễ thiêu và của lễ chuộc tội lỗi. Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời,… này tôi đến để làm theo ý muốn Chúa”. Của lễ thiêu có nghĩa là Giê-su Christ đã trở thành người để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Giăng 4:34). Ngài đã sống một cuộc sống tuyệt đối vâng phục Đấng đã sai Ngài đến. Chúa đã hoàn toàn làm đẹp lòng Cha trong mọi sự (Giăng 8:29). Thật ra, Cơ Đốc nhân chúng ta nên là những người như vậy, tuy nhiên do bản chất sa ngã nên chúng ta không thể sống một cuộc sống như vậy. Do đó, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài là Giê-su Christ trở thành của lễ thiêu để làm trọn ý muốn của Ngài.
Đấng Christ tuyệt đối vâng phục Cha
Sứ đồ Phao-lô đã cho chúng ta một mô tả độc đáo về Chúa Giê-su Christ như là của lễ thiêu trong Phi-líp 2:5-8: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình thể Đức Chúa Trời, nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, Ngài đã từ bỏ chính mình, lấy hình thể của một nô lệ và trở nên giống như loài người, Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”.
Chúng ta biết ơn Chúa vì Ngài đã chết để cứu chuộc và xóa hết tội lỗi cho chúng ta, nhưng Ngài không chỉ đến để trở thành của lễ chuộc tội lỗi cho chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng Ngài cũng là của lễ thiêu và của lễ thức ăn, đó là điều mà nhiều tín đồ không nhận ra. Hê-bơ-rơ 10:5-7 cho biết rằng Chúa Giê-su làm người chủ yếu để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Con người đầu tiên là A-đam đã thất bại, sau khi phạm tội đã là một với Sa-tan, kẻ thù của Đức Chúa Trời. Bấy giờ, Giê-su Christ đã đến để làm người thứ hai, là A-đam cuối (1.Cô-rinh-tô 15:45-47), để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Khi mới mười hai tuổi, Ngài đã được cha mẹ tìm thấy trong đền thờ sau ba ngày “đang ngồi giữa các thầy dạy Kinh Thánh, vừa nghe vừa hỏi họ. Tất cả những người nghe Ngài đều kinh ngạc về sự hiểu biết và những lời đối đáp của Ngài ” (Lu-ca 2:46-47). Khi mẹ hỏi tại sao Ngài lại làm vậy, Ngài đáp rằng: “Sao cha mẹ lại tìm kiếm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc Cha con sao?” (Lu-ca 2:49). Ai trong chúng ta chăm lo công việc của Cha lúc chúng ta mười hai tuổi? Có lẽ chúng ta chỉ chơi đá banh hay làm những điều nghịch ngợm. Càng lớn lên, chúng ta càng bị lôi cuốn bởi nhiều thứ khác. Chúng ta quan tâm đến việc học hành, gia đình, nghề nghiệp hay chuyện kinh doanh, và dĩ nhiên cũng lo nghĩ đến những chuyến du lịch nữa. Chúng ta không dành nhiều thời gian cho công việc của Cha trên trời, có lẽ chỉ một hoặc hai tiếng trong buổi sáng thờ phượng vào ngày Chúa Nhật. Nếu có lòng phục vụ Cha, chúng ta chỉ làm khi cảm thấy thuận tiện, và làm theo cách riêng và sở thích của mình. Nhưng chúng ta có bao giờ hỏi Cha về kế hoạch đời đời và ý định của Cha đối loài người trên trái đất này là gì không?
Chúa Giê-su hoàn toàn khác với chúng ta. Ngài hoàn toàn là một với Cha, hoàn toàn là một cho mục đích của Cha. Ngài đã bắt đầu nhiệm vụ của Ngài lúc 30 tuổi (Lu-ca 3:23) theo luật của chức tế lễ (Dân Số Ký 4:3). Chúa đã học vâng lời qua những đau khổ mà Ngài đã chịu (Hê-bơ-rơ 5:8) và đã hoàn thành những điều mà Cha đã sai Ngài làm trong 3.5 năm. Ngài nói với các môn đồ “Thức ăn của Ta là làm theo ý muốn của Đấng sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Giăng 4:34). Cho nên, trên thập tự giá, Ngài nói rằng “…mọi việc đã được hoàn tất” (Giăng 19:30). Trong suốt chức vụ của mình, Ngài nói “thật, Ta bảo thật các ngươi, Con không thể tự mình làm điều gì, nhưng chỉ làm điều Con thấy Cha làm; vì bất cứ điều gì Cha làm, Con cũng làm như vậy” (Giăng 5:19) và “…những lời Ta nói với các ngươi không phải Ta tự nói, nhưng chính Cha ở trong Ta đang làm việc của Ngài” (Giăng 14:10) và “Cha với Ta là một” (Giăng.10:30). Thậm chí Chúa còn có thể nói: “Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Thật là một tôi tớ tuyệt vời của Đức Chúa Trời (Ê-sai 42:1-4), một của lễ thiêu thực sự như mùi hương ngọt ngào cho Cha. Trái lại, chúng ta quá tự tin khi làm việc của Chúa, chúng ta nói và làm nhiều việc mà không cần Ngài, vì chúng ta không biết Đấng Christ là của lễ thiêu của chúng ta. Chúng ta nên học cách trân trọng và kinh nghiệm Giê-su Christ là của lễ thiêu để trở nên giống như Ngài.
Điều này không xảy ra chỉ sau một đêm. Đây chính là lý do tại sao của lễ thiêu là sự trải nghiệm hằng ngày của chúng ta. Mỗi ngày có thật nhiều cơ hội để chúng ta áp dụng Ngài là của lễ thiêu. Khi Chúa bảo hãy dừng lại bất cứ việc gì anh em đang làm để dành thời gian cho Chúa, anh em có cơ hội để trải nghiệm Đấng Christ là của lễ thiêu để vâng lời Chúa.
Thật ra, chỉ cần chúng ta chú ý, sự xức dầu ở trong chúng ta sẽ liên tục mách bảo chúng ta phải làm những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm. Thật không may, chúng ta thường phớt lờ sự hướng dẫn của Ngài và làm buồn lòng Thánh Linh bởi sự bất tuân của mình. Chúng ta cần thời gian để học. Là một môn đồ của Chúa Giê-su, Phi-e-rơ đã phạm nhiều lỗi lầm lúc ban đầu, nhưng qua thời gian và bằng sự thực hành, ông đã học được những bài học cho mình và trở thành một người đầy tớ trung tín cho Đức Chúa Trời, hoàn toàn hiệp một với ý Chúa và mục đích của Ngài. Tất cả các sứ đồ đã trải qua cùng một quá trình, họ đã trung tín đến cuối cùng và đã tử đạo.
Sứ đồ Phao-lô là một tấm gương tốt cho các tín đồ thuộc dân ngoại. Ông nói rằng: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi…” (Ga-la-ti 2:20). Ông không muốn sống cho chính mình, nhưng ông để Đấng Christ sống trong ông. Trong Phi-líp 1:21a Phao-lô nói “Đấng Christ là sự sống của tôi ” và trong 2.Cô-rinh-tô 5:9, “Cho nên, dù ở trong thân thể nầy, dù ra khỏi, chúng ta cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa”. Khi ông đang trên đường đến Giê-ru-sa-lem, nhiều người cầu xin ông đừng đi vì họ cảm nhận sự nguy hiểm ở đó, nhưng ông trả lời rằng “…Vì tôi sẵn sàng không những bị trói, mà còn chịu chết vì danh của Chúa Giê-su tại Giê-ru-sa-lem nữa” (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:13). Ông chắc chắn biết Chúa Giê-su là của lễ thiêu và đã sẵn sàng vâng lời Đức Chúa Trời cho đến chết. Sự thay đổi này đã không thể xảy ra chỉ sau một đêm, nhưng tất cả các sứ đồ đã học để sống bởi Đấng Christ tuyệt vời này như là của lễ thiêu, và cuối cùng họ có thể sẵn sàng từ bỏ mạng sống mình cho ý Đức Chúa Trời. Cách họ đã sống và phục vụ Đức Chúa Trời là tấm gương cho chúng ta.
Tâm trí của Đấng Christ
Sứ đồ Phao-lô khuyến khích chúng ta nên có cùng một tâm trí như Đấng Christ đã có (Phi-líp 2:5-8). Đây là thái độ của của lễ thiêu:
- Sẵn sàng từ bỏ mọi vinh quang của cá nhân
- Từ bỏ mình và hạ mình
- Trở thành một nô lệ để phục vụ người khác
- Hoàn toàn vâng phục Chúa
- Sẵn sàng chịu đau khổ mà không quan tâm cuộc sống của riêng mình
Nguyện xin Chúa cho tâm trí này cũng có trong chúng ta. Chúa Giê-su biết trước những đau khổ mà Ngài phải trải qua trước khi Ngài đến (xem Ê-sai 53); tuy nhiên, Ngài đã vâng lời và sẵn sàng đến.Từ lúc sinh ra trong máng cỏ cho đến khi chết trên thập tự giá, Ngài đã trải qua tất cả các loại thử thách và đau khổ để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời. Không ai có thể thấu hiểu tất cả những gì mà Ngài đã trải qua. Khi phục vụ, chúng ta hay phàn nàn nhiều, một số người đòi hỏi một mức lương lớn, một cuộc sống tiện nghi, (thậm chí một số mục sư yêu cầu cả máy bay phản lực cá nhân), chức vụ, quyền lực, thẩm quyền, hoặc muốn được mọi người trân trọng và đề cao. Những điều này không giống Chúa Giê-su, người đầy tớ của Đức Chúa Trời, và chắc chắn đó không phải mùi hương dễ chịu cho Đức Chúa Trời và làm thỏa lòng Ngài. Một sự phục vụ như vậy không chỉ bị Đức Chúa Trời từ chối mà còn sẽ phán xét bằng lửa (1.Cô-rinh-tô 3:13-15).
Của lễ thiêu là của lễ quan trọng nhất đối với Đức Chúa Trời
Của lễ thiêu là của lễ đầu tiên được đề cập trong sách Lê-vi Ký, bởi vì theo quan điểm của Đức Chúa Trời nó là của lễ quan trọng nhất. Chúng ta luôn nghĩ đến bản thân và nhu cầu riêng của mình, nhưng hiếm khi nghĩ đến nhu cầu của Đức Chúa Trời. Vậy ai là quan trọng hơn: anh em hay Đức Chúa Trời? Tại sao anh em không thỏa lòng? Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng đó là vì chúng ta chưa làm thỏa lòng Đức Chúa Trời trước tiên (A-ghê 1:2-8).
Trong của lễ thiêu, mọi bộ phận của con sinh tế như đầu, mỡ, bộ lòng, giò đều được dâng bằng lửa trên bàn thờ cho Đức Chúa Trời như một mùi thơm dễ chịu, nhưng bộ da thì được ban cho thầy tế lễ, là người dâng của lễ này (Lê-vi Ký 1:8-9). Toàn bộ con người và cuộc sống của Chúa Giê-su hoàn toàn được Đức Chúa Trời chấp nhận như một mùi thơm dễ chịu. Đức Chúa Trời đã làm chứng rằng “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17;17:5). Bộ da của của lễ thiêu tượng trưng cho Đấng Christ là áo cứu rỗi và áo choàng công bình của chúng ta (Ê-sai 61:10). Càng trải nghiệm Đấng Christ là của lễ thiêu, chúng ta càng mặc lấy Đấng Christ là người mới. Nhờ đó, chúng ta có thể trở thành một người thực sự làm theo ý Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời khao khát có nhiều đầy tớ giống con của Ngài là Giê-su Christ.
Các kích cỡ khác nhau của của lễ thiêu
Lê-vi Ký 1 cho biết có bốn kích cỡ khác nhau của của lễ thiêu: con bò, con chiên, con dê, chim gáy hay bồ câu con. Điều này cho chúng ta thấy:
- Không phải tất cả những người trong dân Đức Chúa Trời đều có cùng sự phát triển thuộc linh và cùng điều kiện, nhưng mọi người đều có thể dâng của lễ thiêu cho Cha theo mức độ và kinh nghiệm của mình.
- Cha không không ưu tiên về kích cỡ của của lễ, nhưng Cha thỏa lòng với tất cả của lễ miễn là nó hợp lệ.
- Những kích cỡ khác nhau nhằm để khích lệ chúng ta lớn lên và có sự trải nghiệm sâu sắc hơn với Đấng Christ. Kinh Thánh khích lệ chúng ta tiến tới sự trưởng thành (Hê-bơ-rơ 6:1).
Tầm quan trọng của việc nhận biết và làm theo ý muốn Đức Chúa Trời
Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta bằng những lời rất nghiêm túc trong Ma-thi-ơ 7:21-23: “Không phải hễ ai nói với Ta: Chúa, Chúa! đều sẽ vào vương quốc thiên đàng đâu; nhưng chỉ những người làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời. Vào ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Chúa, Chúa! Không phải chúng tôi đã nhân danh Chúa nói tiên tri, nhân danh Chúa trừ quỷ và nhân danh Chúa làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ tuyên bố với họ rằng: Ta chưa từng biết các ngươi; hãy lui ra khỏi Ta, hỡi những kẻ làm điều vô luật pháp!”
Nhiều người nghĩ những câu này nói đến những người không tin Chúa, tuy nhiên những người không tin Chúa sẽ không gọi Ngài bằng “Chúa, Chúa”, cũng không nói tiên tri, trừ quỷ và làm những phép lạ nhân danh Ngài. Vì vậy, họ là những tín đồ đang phục vụ Chúa theo ý riêng và theo cách riêng của họ. Chúa không công nhận những gì họ làm là làm theo ý muốn của Cha. Vậy, chúng ta nên hỏi Chúa nghĩ gì khi Ngài nói “ý muốn của Cha”? Trong chương trước của sách Ma-thi-ơ, Chúa đã dạy các môn đồ của Ngài cách cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, Danh Cha được tôn thánh. Vương quốc Cha được đến, ý Cha được nên, ở trên đất như ở trên trời” (Ma-thi-ơ 6:9-10). Phúc Âm trong sách Ma-thi-ơ được gọi là Phúc Âm về vương quốc. Giăng Báp-tít, Chúa Giê-su và các môn đồ đều giảng rằng: “Hãy ăn năn, vì vương quốc thiên đàng sắp đến gần” (Ma-thi-ơ 3:2; 4:17; 10:7). Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ nhắc đến cụm từ “vương quốc thiên đàng” 32 lần. Chúa cũng đã nhắc đến khi bắt đầu chức vụ của Ngài là “phước cho những người nghèo khó trong linh, vì vương quốc thiên đàng thuộc về họ” (Ma-thi-ơ 5:3). Chúa cũng đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng khác trong cùng chương rằng: “nếu sự công bình của các ngươi không trỗi hơn sự công bình của các giáo sư kinh luật và những người Pha-ri-si, các ngươi chắc chắn sẽ không được vào vương quốc thiên đàng” (câu 20).
Phúc Âm Ma-thi-ơ cho chúng ta thấy rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là mang vương quốc thiên đàng xuống trái đất. Để làm điều đó, đầu tiên Ngài phải hoàn tất sự cứu chuộc bởi Giê-su Christ để có được dân cho vương quốc Ngài. Chúng ta phải được sinh lại để có sự sống của vương quốc Ngài trong chúng ta (Giăng 3:3-6). Do đó, chúng ta được gọi “những con của vương quốc” (Ma-thi-ơ 13:38). Có lẽ anh em sẽ hỏi rằng: “vương quốc này ở đâu?” Chúa trả lời trong Lu-ca 17:21, ngày nay vương quốc này không thể nhìn thấy được ở bên ngoài, nhưng Ngài nói “vì vương quốc Đức Chúa Trời đang ở trong các ngươi”. Chúng ta biết Ngài nói đến sự sống của Ngài đang ở bên trong chúng ta. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết rằng sự sống này cần phải lớn lên và trưởng thành ở trong chúng ta.
Đức Chúa Trời đã bày tỏ thêm một điều nữa cho Phi-e-rơ trong sách Ma-thi-ơ 16:16 rằng Giê-su là “Đấng Christ, là Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Người Do Thái hiểu “Đấng Christ” (tiếng Hê-bơ-rơ là Đấng Mê-si) là Vua được xức dầu. Ngay lập tức sau đó, Chúa bày tỏ cho Phi-e-rơ rằng Ngài sẽ xây dựng Hội Thánh, các cửa âm phủ sẽ không thắng được Hội Thánh (câu 18); Ngài sẽ cho Phi-e-rơ và Hội Thánh “chìa khóa của vương quốc thiên đàng” (câu 19). Sự mặc khải này là một điều huyền nhiệm tuyệt vời: Vương quốc của Đức Chúa Trời ngày nay là Hội Thánh mà Đấng Christ đang xây nên để đánh bại các cửa của âm phủ. Chúa Giê-su không chỉ là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, mà còn tuyệt vời hơn thế, ngày nay Ngài là Vua của các vua, Chúa của các chúa (1.Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 17:14; 19:16), Ngài đang ngồi trên ngai vàng. Ngài là người cai trị các vua trên đất (Khải Huyền 1:5) và là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm thuộc trời vĩ đại của chúng ta theo trật tự của Mên-chi-xê-đéc. Chúa là Vua của sự công bình và là Vua của hòa bình (Hê-bơ-rơ 7:1-2). Nhưng Ngài có là Vua trong lòng chúng ta không? Ngài có tể trị cuộc sống của chúng ta không?
Chúng ta tự xem mình là vương quốc của Chúa và là dân của Ngài, nhưng chúng ta rất hay nổi loạn. Chúa phán trong Mác 3:24 rằng “Nếu một vương quốc tự chia rẽ, thì vương quốc ấy không thể đứng vững được” (xem Ma-thi-ơ 12:25). Ngày nay, anh em thấy đã có nhiều sự rối loạn, chia rẽ và hoang tàn trong dân Đức Chúa Trời. Lý do là chúng ta không biết ý muốn của Cha. Chúng ta không nhận ra rằng Hội Thánh là vương quốc của Ngài ngày nay. Chúng ta không lắng nghe sự xức dầu của Ngài, là Thánh Linh, trong chúng ta. Mặc dù chúng ta làm nhiều việc cho Ngài, nhưng mỗi chúng ta lại làm điều mà mắt mình cho là đúng (Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:8). Nên chẳng có gì lạ khi Chúa trở lại, Vua sẽ nói với nhiều người: Hãy lui khỏi ta. Ta không biết các ngươi (Ma-thi-ơ 7:21-23; 25:12; Lu-ca 13:25-27). Điều này vô cùng nghiêm trọng.
Khải Huyền 1:6 và 5:10 cho thấy rằng mục đích của Đức Chúa Trời khi cứu chúng ta là để làm chúng ta trở thành vua và thầy tế lễ cho Ngài. Thật ra, ngay từ ban đầu khi Đức Chúa Trời mang dân Ngài ra khỏi Ai Cập, kế hoạch của Ngài là làm họ trở thành vương quốc của thầy tế lễ và thành một dân tộc thánh (Xuất Ai Cập Ký 19:6). Nhưng dân Israel, là dân thuộc đất của Ngài, đã nổi loạn chống lại Ngài và trở thành những kẻ thờ thần tượng. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi kế hoạch của Ngài, và Ngài sẽ hoàn tất nó với Hội Thánh trong thời Tân Ước. Tuy nhiên, đa số các Cơ Đốc nhân không biết mình là thầy tế lễ, càng không biết mình là các vua. Họ được dạy rằng tất cả sẽ lên thiên đàng để tận hưởng tất cả mọi thứ như chơi gôn, đi dạo trên những con đường bằng vàng hoặc sống trong lâu đài, chứ không được dạy về kế hoạch của Đức Chúa Trời là muốn con người cùng cai trị với Đấng Christ. Nhưng Chúa Giê-su phán rằng, “Phước cho những người nhu mì, vì họ sẽ thừa hưởng trái đất” (Ma-thi-ơ 5:5). Khi Chúa trở lại, chúng ta sẽ trị vì trên trái đất với Ngài (Khải huyền 5:10). Tóm lại, đây chính là ý muốn của Cha, là sự kêu gọi rất cao của Cha dành cho chúng ta. Chúng ta hy vọng ngày nay có nhiều Cơ Đốc nhân sẽ thấy điều này và đáp lại sự kêu gọi của Cha.
Để hợp tác với Cha thực hiện ý muốn của Cha ngày nay, chúng ta cần thực hành chức tế lễ thánh mà 1.Phi-e-rơ 2:5 nhắc đến; để hiểu và trải nghiệm Đấng Christ là thực tế của tất cả các của lễ, đặt biệt là của lễ thiêu và dâng những kinh nghiệm này như những của lễ thuộc linh được Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, chấp nhận trong Hội Thánh của Ngài. Đây là mục tiêu của quyển sách này. Nó không chỉ để chúng ta hiểu biết về các của lễ khác nhau. Nguyện xin Chúa cho chúng ta trở thành chức tế lễ hoàng gia và những người thờ phượng thật để dâng của lễ thuộc linh cho Cha nhờ Giê-su Christ. Amen!
(Dịch từ sách “Christ as Spiritual Sacrifices Acceptable to God” của Thechurchinfountainvalley.org)