Của lễ thiêu

Xin chào các bạn đến với video ngắn kế tiếp trong loạt bài thuyết trình của chúng tôi về sự thờ phượng thật. Hôm nay, chúng ta muốn xem xét kỹ lưỡng hơn về của lễ thiêu, một trong năm của lễ chính trong sách Lê-vi Ký. Của lễ thiêu ở vị trí đầu tiên trong năm của lễ, trình bày vấn đề căn bản trong mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời như trong Rô-ma 3:11 “Chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời”. Từ trong bản chất, chúng ta không sống cho Đức Chúa Trời. Trái lại, tất cả chúng ta tìm kiếm những gì có lợi cho mình trước tiên. Phi-líp 2:21 nói rằng: “Ai nấy đều tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm của Christ Giê-su”.

Của lễ thiêu là của lễ duy nhất trong năm của lễ mà không có phần cho thầy tế lễ. Tất cả, trừ bộ da, sẽ được thiêu cháy hoàn toàn cho Đức Chúa Trời. Điểu đó cho biết Đức Chúa Trời vui hưởng như thế nào khi một người hiến dâng mình hoàn toàn cho Ngài. Sự hiến dâng và sự vâng phục của chúng ta giống như là thức ăn cho Đức Chúa Trời. Ngài muốn loài người sống theo ý muốn của Ngài. Sách Lê-vi Ký cho chúng ta thấy hình bóng của các của lễ và các lễ trong Cựu Ước. Tuy nhiên, trong Cô-lô-se 2:16-17, chúng ta thấy Giê-su Christ là sự ứng nghiệm của chúng và cách để chúng ta hôm nay giữ các lễ và kinh nghiệm các của lễ như thế nào.

Chúa Giê-su Christ đã hiến dâng mình hoàn toàn cho ý muốn của Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ 10:8 nói đến Ngài “rồi Ngài lại nói: Nầy, con đến để làm theo ý muốn của Ngài”. Làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là lý do duy nhất tại sao Chúa xuống thế làm người. Là người, Ngài đã học để vâng phục Đức Chúa Trời, thậm chí vâng phục cho đến chết ở trên cây thập tự. Giăng 5:30 nói đến Chúa Giê-su: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì; Ta xét đoán theo điều Ta nghe, và sự xét đoán Ta là công bình, vì Ta chẳng tìm ý muốn của Ta, nhưng tìm ý muốn của Ðấng đã sai Ta”.

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét một vài ví dụ thực tế từ cuộc đời của Chúa Giê-su Christ. Lúc 12 tuổi, Chúa đã ở trong đền thờ và hỏi đáp với các giáo sư. Cha mẹ Ngài đã tìm kiếm Ngài khắp nơi. Khi họ tìm thấy Ngài ở đó, Ngài hỏi tại sao họ lại tìm. Chúa nói với họ: “Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc Cha con sao?‘‘ (Lu-ca 2:49). Nếu chúng ta tự hỏi mình đã làm gì lúc 12 tuổi, chắc chắn chúng ta sẽ thấy mình không có liên quan gì nhiều đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Một ví dụ khác cho thấy Đấng Christ luôn vì ý muốn của Cha là giăng 4. Khi Chúa nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri và bày tỏ cho bà biết Ngài là Đấng Christ, các môn đồ đến với Ngài và đưa thức ăn cho Ngài. Nhưng Chúa biết tình huống này nhằm để cho ngưới đàn bà Sa-ma-ri và nhiều người khác trong làng được cứu, nên Ngài trả lời: “Lương thực của Ta là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ta, và hoàn tất công việc của Ngài‘‘ (Giăng 4:34).

Tôi tin tất cả Cơ Đốc nhân đều biết lời cầu nguyện của Chúa Giê-su ngay trước khi chịu đóng đinh. Khi cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa biết điều gì sắp xảy đến với mình. Tuy nhiên, Ngài cầu nguyện với Cha: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con! Dù vậy, không theo ý con, mà theo ý Cha‘‘ (Ma-thi-ơ 26:39). Ngay cả khi Chúa biết thời gian Ngài chịu đóng đinh trên thập tự và chịu chết đã đến, Ngài vẫn cầu nguyện cho ý muốn Cha. Còn Cơ Đốc nhân chúng ta thì sao?

Tuy, chúng ta đã dược hòa giải với Đức Chúa Trời bởi sự chết của Chúa trên thập tự giá, nhưng chúng ta thường không sống cho công việc của Ngài. Khi mới tin Chúa, có thể chúng ta rất nóng cháy cho Chúa. Nhưng không lâu sau đó, chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân, bị vướng bận bởi những lo lắng của đời này. Cuối cùng, chúng ta trở nên như Hội Thánh ở Ê-phê-sô, nghĩa là đã đánh mất tình yêu ban đầu dành cho Chúa. Còn đối với việc hiến dâng cho Đức Chúa Trời, chúng ta giống như những môn đồ của Chúa Giê-su. Họ đã ngủ trong lúc Chúa đang cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Dù trước đó Chúa bảo họ phải tỉnh thức và cầu nguyện; nhưng khi trở lại, Ngài thấy họ ngủ.

Nếu chúng ta nhìn tình trạng của thế giới hiện nay, tiếc rằng chúng ta phải nhận ra rằng những cái hình bên phải không chỉ mô tả tình trạng của thế giới mà còn mô tả tình trạng bình thường của các Cơ Đốc nhân ngày nay. Không phải những điều này là sai. Nhưng nếu Cơ Đốc nhân chúng ta nghiêm túc tự hỏi điều gì chiếm vị trí đầu tiên trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta sẽ nhận thấy rằng đó là sự nghiệp, gia đình, sở thích,.. chứ không phải là Đức Chúa Trời và chương trình của Ngài. Tất cả chúng ta đều quan tâm rất nhiều đến nguyện vọng của riêng mình và sẵn sàng đầu tư rất nhiều thời gian. Có thể một số Cơ Đốc nhân chỉ muốn sống một cuộc sống bình dị, nhưng họ không muốn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta nghiêm túc tự hỏi mình dành bao nhiêu phần trăm thời gian cho Chúa và bao nhiêu cho cuộc sống của chính mình, chúng ta nhận ra rằng đó chỉ là một tỷ lệ nhỏ dành cho Chúa. Chúa phải cứu chúng ta khỏi tình trạng này.

Trong phần kết, tôi muốn dùng hai ví dụ thực tế từ cuộc đời tôi để cho thấy của lễ thiêu thật, Giê-su Christ, đã cứu tôi khỏi tình trạng này như thế nào. Tôi đã tin Chúa từ rất lâu, từ khi tôi biết suy nghĩ. Tuy nhiên, trong nhiều năm, tôi đã không hỏi ý muốn của Ngài, mà chỉ sống một cuộc sống bình thường trong thế giới này. Vào một lúc nào đó, khi tôi nhận ra mọi thứ trong cuộc đời cứ xoay tròn, tôi đã liên tục cầu nguyện trong một thời gian dài, xin Chúa chỉ cho tôi biết tôi phải làm gì và Chúa muốn tôi ở nơi nào. Vài tháng sau, Chúa đã cho tôi biết rõ là tôi phải làm thầy tế lễ phục vụ Ngài và dâng của lễ thuộc linh cho Cha. Chúa cũng phán với tôi rất rõ rằng tôi phải từ bỏ cuộc sống cũ của mình ngay lập tức và phải đi đến nơi Ngài đã chọn. Vì Đấng Christ là của lễ thiêu đã tác động rất mạnh mẽ trong tôi, nên tôi đã không chần chừ một giây nào cả và không có vấn đề gì cả khi quyết định theo ý Chúa. Như trong Lê-vi Ký 1:4 nói rằng “người ấy tựa tay trên đầu của lễ thiêu”, tôi đã tựa vào Đấng Christ và đã vâng theo tiếng phán của Ngài.

Một ví dụ kế tiếp mà tôi thường kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày rằng con người cũ của tôi hay muốn thối lui và chọn con đường dễ chịu khi liên quan đến việc phục vụ Đức Chúa Trời. Vào buổi tối sau giờ làm việc, đôi khi không dễ để dành thời gian cho Chúa. Một hôm, một anh em cho tôi biết rằng anh ta sẽ giảng Phúc Âm vào buổi tối, Chúa đã thúc giục tôi đi với anh em này và cùng rao giảng Phúc Âm. Tôi đã lấy Đấng Christ làm của lễ thiêu của tôi và đặt các mong muốn và nhu cầu cầu tôi ra đằng sau. Như thế tôi không chỉ sẵn sàng để giảng Phúc Âm, mà tôi cũng kinh nghiệm được Đấng Christ là của lễ thiêu đã thêm sức cho tôi. Chúa đã ban thưởng vì tôi vâng lời. Ngài không chỉ mở ra những cuộc nói chuyện tốt với nhiều người mà còn chỉ tôi phải nói với người ta như thế nào cho đúng. Như thế, lời Chúa và tin mừng về vương quốc của Ngài được truyền giảng.

Tôi xin chúc các bạn có nhiều kinh nghiệm phong phú với Đấng Christ là của lễ thiêu thật.

(Dịch từ bài “Das Brandopfer” của himmlisches-jerusalem.de)

RELATED ARTICLES
8,460FansLike
303FollowersFollow
7FollowersFollow
8,950SubscribersSubscribe

Bài mới nhất