Lời mở đầu
Ba lời chia sẻ này ở Hội Thánh Singapore vào tháng 12 năm 2009, đặc biệt hướng tới các thanh thiếu niên, chỉ cho chúng ta thấy con đường không thay đổi của Đức Chúa Trời cho việc thực hiện mục tiêu của Ngài với chúng ta: bởi Lời hằng sống và trường tồn của Đức Chúa Trời, bởi Cây Sự Sống và bởi tâm linh của con người. Nguyện xin Chúa cho chúng ta kinh nghiệm được hiện thực của những lời này.
Lời sống và trường tồn của Đức Chúa Trời
Lời Chúa, Kinh Thánh, là điều gì đó rất đặc biệt. Nó là Lời phán hằng sống của Đức Chúa Trời. Ai muốn làm quen với Đức Chúa Trời hằng sống thì phải quan tâm đến Kinh Thánh, vì nếu không có quyển sách này thì không thể biết Đức Chúa Trời được. Đừng nghĩ Lời Chúa không quan trọng. Lời của con người cũng đã quan trọng rồi. Nếu tôi muốn làm quen với anh em thì tôi phải nói chuyện với anh em, nếu không thì chúng ta sẽ không bao giờ thực sự quen biết nhau. Anh em, nếu chúng ta không ngồi kế nhau dùng bữa trưa và cùng trò chuyện với nhau, chúng ta đâu thể quen nhau. Tôi có thể nhớ mặt anh em, nhưng anh em phải nói mình tên gì. Nghĩa là anh em phải mở miệng ra nói vài lời với tôi. Nếu không thì làm sao tôi có thể biết được là anh em từ đâu đến, sống ở đâu, làm gì và bao nhiêu tuổi. Nếu anh em không bao giờ mở miệng ra thì tôi không bao giờ làm quen với anh em được. Đối với Đức Chúa Trời cũng vậy; nếu không có Lời hằng sống của Chúa, anh em không thể biết Chúa được. Kinh Thánh, Lời Chúa, là Lời phán của Đức Chúa Trời cho loài người.Vì thế, đến với quyển sách này rất quan trọng, nếu anh em muốn làm quen với Đức Chúa Trời.
Hai cây trong vườn Ê-đen
Kinh Thánh nói gì về Lời hằng sống? Tôi muốn bắt đầu với Sáng Thế Ký 2:9. Mặc dù anh em có lẽ đã biết câu này rồi, nhưng anh em đừng coi thường nghĩa của nó. “Chúa, Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có Cây Sự Sống cùng Cây Biết Thiện Ác“. Có hai cây được nhắc đến một cách đặc biệt trong vườn Ê-đen. Một trong hai cây là Cây Sự Sống. Anh em phải nhận ra được sự quan trọng của cây này. Nó rất đặc biệt; được gọi là “Cây Sự Sống”. Đức Chúa Trời đã đặt con người vào trong vườn Ê-đen vì Ngài muốn con người ăn trái của cây này. Nhưng còn có một cây khác, Cây Biết Thiện Ác. “Rồi, Chúa, Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về Cây Biết Thiện Ác thì không được ăn; vì ngày nào ngươi ăn trái đó chắc chắn ngươi sẽ chết” (câu 16-17).
Ngay đầu Kinh Thánh, chúng ta đã thấy một nguyên lý quan trọng: nguyên lý của sự sống, được tượng trưng bằng Cây Sự Sống. Trong Sáng Thế Ký 1:31, chúng ta đọc thấy mọi điều Đức Chúa Trời đã tạo nên đều rất tốt, thế nhưng tại sao A-đam lại không đủ tốt? Bởi vì con người còn phải tiếp nhận sự sống của Đức Chúa Trời vào bên trong mình. Kinh Thánh gọi sự sống này là sự sống vĩnh hằng. Ngay từ đầu Kinh Thánh, chúng ta thấy sự sống này cũng chính là Đức Chúa Trời và con người phải tiếp nhận sự sống này vào.
Cây còn lại có nghĩa nghịch lại với sự sống, cho nên chúng ta gọi nó là Cây Sự Chết! Nhưng Kinh Thánh gọi nó là Cây Biết Thiện Ác. Việc cây này mang tên Cây Biết Thiện Ác đã chỉ cho chúng ta thấy rằng nó không thật sự “đứng đắn” lắm. Nó không nêu lên bản chất thật của nó, chính là sự chết. Sự chết ẩn dấu bên dưới một cái tên khác và cái tên khác này là Hiểu Biết Thiện Ác. Nhiều người không chấp nhận điều này vì họ nghĩ rằng hiểu biết là một điều gì đó tích cực. Nhưng Đức Chúa Trời đã cảnh báo con người đừng ăn trái của cây này, vì ngày nào ăn trái của cây này, con người chắn chắn sẽ chết!
Ảnh hưởng của sự chết trong xác thịt của chúng ta
Nếu Cây Sự Sống là sự sống của Đức Chúa Trời và cũng chính là Đức Chúa Trời thì cây còn lại phải có nghĩa là tội lỗi, tức là bản chất của Sa-tan, cũng chính là Sa-tan, kẻ cầm quyền sự chết (Hê-bơ-rơ 2:14). Khi con người ăn từ nó, tội lỗi cùng với sự chết thâm nhập vào trong mình. “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Sự chết này có nghĩa không chỉ là cái chết về mặt thể chất mà còn cả về mặt tâm linh. Sự chết này có liên quan đến Sa-tan, kẻ cầm quyền sự chết. Hắn nuốt chửng con người dần dần, cho đến cuối cùng thì ở trong hồ lửa với hắn. Hồ lửa là cái chết thứ hai. Do đó, không chỉ tội lỗi ở trong xác thịt của chúng ta mà đồng thời sự chết cũng ngự trị ở đó. Từ lý do này mà loài người sa ngã cũng không khao khát Đức Chúa Trời. Hãy nói với tôi rằng anh em có thực sự vì Chúa không? Tôi không khẳng định rằng anh em không vì Chúa, nhưng cuộc sống hằng ngày của anh em chỉ ra rằng anh em không có sở thích lớn dành cho Đức Chúa Trời. Nhưng khi chơi trò chơi vi tính thì anh em lại hoàn toàn sốt sắng. Nhưng đối với việc đọc Kinh Thánh, anh em có sốt sắng như vậy không?
Tại sao chúng ta đột nhiên như bị liệt khi liên quan với việc cầu nguyện, đi nhóm, thông công, đọc Lời Chúa hay giảng Phúc Âm? Chúng ta không có sở thích hay hứng thú gì cả. Đơn giản là chúng ta mệt mỏi và không có năng lượng để làm những điều trên. Tại sao? Tại vì sự chết ngự trị trong xác thịt của chúng ta. Đừng nghĩ rằng chúng ta, là những Cơ Đốc nhân, thì không có nan đề này. Vì thế, những gì chúng ta cần gấp chính là sự sống trong tâm linh mình! Và quyển sách này, Kinh Thánh, chính là sách sự sống, sách ban cho chúng ta sự sống của Đức Chúa Trời!
Hiểu biết Kinh Thánh không mang lại sự sống
Nguyên lý sự sống trong Sáng Thế Ký 2 là nền tảng cho toàn bộ Kinh Thánh. Khi anh em đọc Kinh Thánh, anh em phải nói với Chúa rằng: “Chúa ơi, con không muốn có hiểu biết, con muốn có sự sống”. Tôi đã làm điều này từ nhiều năm rồi. Tại sao tôi nói câu này thường xuyên? Một khi hiểu biết đã vào trong chúng ta, chúng ta sẽ bị nghiện vì chúng ta yêu mến sự hiểu biết. Dù là hiểu biết gì đi nữa thì chúng ta cũng giữ chặt nó. Cả thế giới được thiết lập trên sự hiểu biết. Mọi người đều yêu mến nó. Đối với khoa học và xã hội, chúng ta cần sự hiểu biết. Nhưng khi chúng ta đến với Đức Chúa Trời hằng sống và Lời của Ngài thì điều này không liên quan gì đến hiểu biết cả. Hiểu biết về Kinh Thánh không mang lại cho anh em sự sống! Anh em có thể có kiến thức về Kinh Thánh nhưng không có sự sống.
Toàn bộ Do Thái giáo vào thời Chúa Giê-su chứng minh cho chúng ta thấy rằng, hiểu biết không đem lại lợi ích gì. Mọi người Pha-ri-si và Sa-đu-sê, thầy tế lễ thượng phẩm và cả dân sự đều có hiểu biết về Kinh Thánh. Họ là những thầy dạy Kinh Thánh, họ rành các sách Ngũ Kinh Môi-se và các sách tiên tri, họ hiểu biết lịch sử và là những chuyên gia về Kinh Thánh. Thậm chí, chính Chúa đã nói với họ rằng, họ nghiên cứu Kinh Thánh nhưng lại chẳng muốn đến với Ngài để nhận sự sống đời đời (Giăng 5:39-40); bởi vì chính Đức Chúa Trời là sự sống. Anh em có thể biết toàn bộ Kinh Thánh, tuy nhiên chẳng có sự sống. Để nhận được sự sống, anh em phải đến với Đức Chúa Trời hằng sống. Anh em phải thực sự rõ về điều này. Ngay từ đầu Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một lời cảnh báo nghiêm trọng: Đức Chúa Trời là sự sống! Do đó, anh em phải là người khao khát sự sống, vì nếu không có sự sống thì anh em chẳng có gì cả.