Đức Chúa Trời khao khát sống giữa con người và biểu lộ bản chất của mình. Đó là lý do tại sao Môi-se nên xây dựng nhà (đền tạm) cho Ngài trong sa mạc. Ngày nay, Đức Chúa Trời không còn sống trong một cái lều hay nhà được xây dựng bằng tay (xem Công vụ 17:24). Thay vào đó, chúng ta, những người đã được sinh lại, là nhà của Đức Chúa Trời. “Anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự trong anh em sao?” (1 Cô-rinh-tô 3:16).
Giống như người ta có thể thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời qua đền tạm trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời cũng muốn bày tỏ sự vinh hiển qua chúng ta và Hội Thánh của Ngài. Tuy nhiên, để được như vậy thì nhà của Đức Chúa Trời phải tương ứng chính xác với bản thiết kế của Ngài.
Sự phân cách giữa nhà Đức Chúa Trời và thế giới
Trước hết, người ta có thể thấy rằng đền tạm và sân của nó được phân cách với thế giới bên ngoài bằng một hàng rào đặc biệt. Có một sự phân cách rõ ràng giữa nhà của Đức Chúa Trời với bản chất của thế giới này. Bên ngoài là thế giới, nằm dưới sự thống trị của ma quỷ: “Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế giới đều ở dưới quyền ma quỷ” (1. Giăng 5:19). Bản chất của thế giới này hoàn toàn trái ngược với vương quốc của Đức Chúa Trời. Trong sách Phúc Âm Giăng, Chúa Giê-su nói rằng vương quốc của Người không thuộc về thế giới này (xem Giăng 18:36). Đức Chúa Trời đã cứu các tín đồ chúng ta ra khỏi thế giới này: “Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của bóng tối, và đem chúng ta vào vương quốc của Con yêu dấu Ngài” (Cô-lô-se 1:13). Lời Chúa còn cho chúng ta thấy rằng thế giới này sẽ qua đi và sẽ bị phán xét bởi Đức Chúa Trời: “Bây giờ là lúc thế giới này bị phán xét; bây giờ kẻ thống trị thế giới này sẽ bị tống ra ngoài” (Giăng 12:31). Nhưng nhà của Đức Chúa Trời sẽ tồn tại mãi mãi: “Thế giới với những dục vọng của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (1.Giăng 2:17).
Córất nhiều sự khác biệt, không thể có sự pha trộn. Đức Chúa Trời không chấp nhận khi các yếu tố của thế giới đi vào nhà của Ngài. Do đó, có một sự tách biệt rõ ràng, bởi vì: “Có thể nào hòa hợp đền thờ của Đức Chúa Trời với các thần tượng không?” (2.Cô-rinh-tô 6:16).
Thân thể chúng ta phải biểu lộ bản chất của Đức Chúa Trời
Sân của đền tạm là một hình ảnh cho thân thể, Nơi Thánh là một hình ảnh của tâm hồn và Nơi Chí Thánh là một hình ảnh cho tâm linh của con người. Giống như hàng rào phân rẽ đền tạm khỏi thế giới bên ngoài, thì thân thể của chúng ta và những việc làm mà chúng ta thực hiện bởi thân thể cũng phải thể hiện sự phân tách rõ ràng vớii thế giới. Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng thân thể của mình cho Ngài và qua đó làm vinh hiển Ngài: “Vậy thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1). Hoặc: “vì anh em đã được mua bằng giá rất cao. Vậy, hãy dùng thân thể anh em mà làm vinh hiển Đức Chúa Trời” (1.Cô-rinh-tô 6:20).
Vải gai mịn trắng là các việc làm công bình của các thánh
Đặc điểm chính của hàng rào là vải gai mịn trắng. Vải gai mịn này nói đến sự công bình, thánh khiết và tinh sạch của Đức Chúa Trời. Sự công bình của Đức Chúa Trời phải được nhìn thấy trong đời sống của Cơ Đốc nhân. Chúng ta không được đồng nhất với thế giới này và làm những điều tội lỗi và vô nghĩa như những người không có Chúa. Chúa Giê-su nói rằng chúng ta là ánh sáng của thế giới này (xem Ma-thi-ơ 5:14). Sách Khải Huyền cho biết vải gai mịn là các việc làm công bình của các thánh (xem Khải huyền 19:8). Điều đầu tiên mà người ta nhìn thấy ở một người là việc làm của người đó, cũng như lời nói. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải biểu lộ sự khác biệt rõ ràng với những người của thế giới này qua việc làm, lời nói.
Mời bạn xem tiếp phần 2 về hành lang của đền tạm và làm thế nào chúng ta có thể trở thành những người như vậy.
(Dịch từ bài “WIR SIND DER TEMPEL GOTTES” của Himmlisches-Jerusalem.de)