Của lễ thức ăn mô tả nhân tính hoàn hảo của Chúa Giê-su. Công việc của Ngài đã bắt đầu với mầu nhiệm của sự hóa thân: “Lời đã trở nên xác thịt, sống giữa chúng ta, chúng ta đã chiêm ngưỡng sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha, đầy ân điển và sự thật” (Giăng 1:14). Đức Chúa Trời tạo nên con người theo hình ảnh Ngài để quản trị trái đất và chinh phục kẻ thù của Ngài là Sa-tan (Sáng Thế Ký 1:26). Nhưng con rắn, Sa-tan, đã lừa dối con người, và đã tiêm bản chất tội lỗi, độc hại của nó vào trong con người (Rô-ma 5:12), do đó đã làm hư hỏng cả nhân loại. Kể từ đó “mọi người đều phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ”(Rô-ma 3:23), và “như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dù một người cũng không, chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. Tất cả đều lầm lạc, đều trở nên vô ích; chẳng có một ai làm điều lành, dù một người cũng không” (Rô-ma 3:11-12). Khoảng hai ngàn năm trước, Đức Chúa Trời, trong sự khôn ngoan của Ngài, đã trở thành người trong Giê-su Christ để thực hiện mục đích của mình. Người Giê-su này là “thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt riêng khỏi kẻ có tội” (Hê-bơ-rơ 7:26), hoàn hảo và công chính. Ngài là Đấng duy nhất đủ tiêu chuẩn để thực hiện mục đích thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Ngài đã chiến thắng Sa-tan, thế giới, tôn giáo, tội lỗi và sự chết. Ngài đã trải qua tất cả các loại đau khổ và hoàn thành sự cứu chuộc trên thập tự giá. Ngài đã nuốt chửng quyền lực của sự chết và sống lại. Ngài đã thăng thiên lên ngai vàng và ngồi bên phải của Đấng Tôn Nghiêm ở trên trời. Thật là một Người tuyệt vời! Ngài là của lễ thức ăn, và cũng là thức ăn cho chúng ta. Ngài là bánh từ trời xuống để chúng ta có thể ăn Ngài và sống bởi Ngài (Giăng 6). Chúng ta hãy xem xét một số chi tiết của của lễ thức ăn tuyệt vời này.
Bột mịn
Lúa mì trong Kinh Thánh tượng trưng cho nhân tính. Chúa nói Ngài là hạt lúa mì đã rơi xuống đất và chết đi để kết được nhiều hạt (Giăng 12:24). Cũng như lúa mì bị nghiền nát thành bột mì mịn, Chúa Giê-su của chúng ta đã trải qua nhiều lần bị nghiền khi Ngài ở trên trái đất này. Do đó, bột mì mịn biểu thị cho nhân tính tốt đẹp của Chúa Giê-su chúng ta, như là thức ăn cho dân Chúa. Ngài là bánh của sự sống và bất cứ ai ăn Ngài sẽ sống bởi Ngài (Giăng 6:48, 57). Nhân tính của chúng ta rất thô, nhưng nhân tính của Chúa không chỉ thánh khiết và công bình, mà còn thương xót, nhân từ và yêu thương, tốt bụng, nhu mì, khiêm tốn, kiên nhẫn và đầy hiểu biết, có thể cảm thông cho sự yếu đuối của chúng ta và sẵn lòng giúp đỡ, tuyệt đối vâng lời Cha, hoàn toàn là một với Cha cho mục đích thiêng liêng của Cha, trung thành với nhà của Đức Chúa Trời, và còn hơn thế nữa. Ví dụ, trong Giăng 13, Chúa Giê-su đã rửa chân cho các môn đồ để dạy họ cách phục vụ và hạ mình. Ngài đã nói “Ai là người lớn hơn hết giữa các ngươi sẽ làm đầy tớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 23:11). “… Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường,.. hãy học theo Ta” (Ma-thi-ơ 11:29). Không ai khác giống như Ngài. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn trái ngược với Ngài, và nhân tính sa ngã của chúng ta không bao giờ có thể thực hiện được kế hoạch của Đức Chúa Trời.
Được trộn với dầu và được xức dầu
Nhân tính của Chúa Giê-su đã được trộn lẫn hoàn toàn với dầu (Lê-vi Ký 2:1,4,7,15). Dầu trong Kinh Thánh tượng trưng cho Thánh Linh, là sự xức dầu. Sự ra đời của Chúa Giê-su rất đặc biệt. Không giống như anh em và tôi, Ngài được sinh ra bởi một trinh nữ (Ê-sai 7:14), và được thụ thai bởi Thánh Linh (Ma-thi-ơ 1:20). Thiên sứ nói với Ma-ri “Con Thánh sinh ra phải được gọi là Con của Đức Chúa Trời ” (Lu-ca 1:35). Ma-ri trả lời “làm sao có điều đó được, vì tôi chưa biết người nam nào? Thiên sứ trả lời và nói với bà: Thánh Linh sẽ đến trên cô, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ che phủ cô” (Ma-thi-ơ 1:34-35). Nhân tính của Ngài được trộn lẫn với Thánh Linh của Đức Chúa Trời từ khi mới sinh ra. Vậy, Chúa Giê-su của chúng ta vừa là Con của Đức Chúa Trời vừa là Con của loài người. Tuy nhiên, khi phục vụ trên đất, Ngài đã gạt bỏ địa vị thuộc trời của Ngài và phục vụ như con người.
Khi Chúa Giê-su vừa ra khỏi nước sau khi chịu báp-tem, Giăng Báp-tít đã chứng kiến Thánh Linh ngự xuống như chim bồ câu đậu trên Ngài, xức dầu cho Ngài và trang bị quyền năng của Thánh Linh cho chức vụ của Ngài (Ma-thi-ơ 3:16). Sau đó, Ngài đã làm mọi việc theo sự dẫn dắt của Thánh Linh chứ không phải bởi riêng Ngài. Ngay lập tức sau khi chịu báp-tem, Chúa Giê-su đã được Thánh Linh mang vào hoang mạc để chịu sự cám dỗ của ma quỷ (Ma-thi-ơ 4:1-12). Không cần nói gì, Ngài đã chiến thắng!
Không được phép dâng với men và mật ong
Sự ra đời thánh khiết của Giê-su cũng cho chúng ta thấy trong Ngài không có tội, không men (Lê-vi Ký 2:11). Men trong toàn bộ Kinh Thánh biểu thị tội lỗi, như hiểm độc, gian ác, đạo đức giả… (1.Cô-rinh-tô 5:8, Lu-ca 12:1). Tội lỗi đã truyền vào từ thời A-đam đến toàn nhân loại, nhưng Giê-su được chịu thai bởi Thánh Linh, Ngài là Đấng duy nhất được gọi là hạt giống của người nữ (Sáng Thế Ký 3:15, Ga-la-ti 4:4). 1.Giăng 3:5 nói rằng “ …trong Ngài không có tội lỗi”. Ngài “không hề phạm tội, nơi miệng Ngài không thấy điều dối trá” (1.Phi-e-rơ 2:22). Ngài đã “bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta, nhưng chẳng phạm tội ” (Hê-bơ-rơ 4:15). Thậm chí Bôn-xơ Phi-lát cũng không thể tìm ra lỗi của Ngài (Lu-ca 23:4, 14). Đó là lý do Ngài là người duy nhất có đủ tiêu chuẩn để làm của lễ chuộc tội lỗi cho chúng ta (Ê-sai 53:10). Trong 2.Cô-rinh-tô 5:21, Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời đã làm “cho Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta”. Phi-e-rơ đã xác nhận điều mà tiên tri Ê-sai nói rằng Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ (1.Phi-e-rơ 2:24). Nhiều người chỉ biết ơn về việc Chúa đã chết vì sự cứu chuộc cho nhân loại, nhưng rất ít người biết quý trọng nhân tính hoàn hảo của Ngài. Đó là lý do nhiều tín đồ không quan tâm đến của lễ thức ăn trong Lê-vi Ký. Ngài phải cần có một nhân tính hoàn hảo như vậy mới có thể thực hiện được chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại.
Kinh Thánh cũng cho biết rằng của lễ thức ăn không được dâng lên với mật ong (Lê-vi Ký 2:11). Mật ong là một chất ngọt và dính, nó mô tả bản chất sa ngã của chúng ta. Chúng ta thường rất ngọt ngào với những người mình thích, và kết dính với họ. Khi điều này xảy đến, chúng ta thiên vị họ. Khi chọn những người cộng tác, chúng ta thích chọn những người có năng lực, biết lắng nghe và phục tùng thẩm quyền của chúng ta, và tất nhiên là những người giàu có. Tất cả những điều này luôn dẫn đến nhiều vấn đề và sự hư hoại. Tuy nhiên, Chúa đã không chọn môn đồ theo cách này. Thậm chí Ngài còn chấp nhận Giu-da, người phản bội Ngài. Ngài không chọn những người có học thức, mà chọn những người đánh cá đơn giản và những người thu thuế.
Chúng ta thích lôi kéo người khác về phía mình, nhưng Chúa Giê-su không như vậy. Ê-sai viết rằng: “Người chẳng có hình dung, chẳng có sự uy nghi; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được. Người đã bị người ta khinh rẻ và chối bỏ, là người quen thuộc với đau đớn và sầu khổ, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; Chúng ta cũng chẳng coi Người ra gì” (Ê-sai 53:2-3). Chúa không lôi kéo con người đến với Ngài. Khi một người trẻ tuổi giàu có đến hỏi Chúa hỏi rằng anh ta còn thiếu điều gì để có sự sống đời đời, Chúa bảo anh hãy bán hết của cải mà cho người nghèo, rồi đi theo Ngài. Chàng trai rầu rĩ bỏ đi, và Chúa để anh đi (Ma-thi-ơ 19:16-24). Chúa nói “Nếu ai muốn theo Ta, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Ma-thi-ơ 16:24). Trong Giăng 6, sau khi cho hàng ngàn người ăn, Chúa Giê-su đã bảo họ rằng Ngài là bánh thật đến từ trời và họ nên ăn Ngài. Sau đó tất cả mọi người trừ mười hai môn đồ đã rời bỏ Ngài. Chúa luôn nói sự thật mặc dù người ta bị mếch lòng bởi lời của Ngài. Thậm chí, Chúa còn hỏi những người còn lại nếu họ muốn bỏ đi. Ngài cũng chẳng bao giờ lôi kéo người ta đến với Ngài, nhưng Ngài dựa vào Cha để mang họ đến “Nếu Cha, là Đấng đã sai Ta, không kéo đến thì không ai có thể đến với Ta” (Giăng 6:44).
Với nhũ hương
Của lễ thức ăn phải được dâng lên nhũ hương (Lê-vi Ký 2:1), nhũ hương tượng trưng cho sự phục sinh của Chúa Giê-su. Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Giăng 11:25). Ngài không chỉ là sự sống, nhưng cũng là sự sống phục sinh. Khi tội lỗi vào trong con người, thì sự chết cũng vào (Rô-ma 5:12). Tội lỗi trong xác thịt của chúng ta đã khiến chúng ta làm những điều xấu xa, và sự chết ngăn cản chúng ta làm những điều đúng. Phao-lô đã miêu tả điều này rất rõ trong Rô-ma 7:19 “vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn”. Đó là luật của tội lỗi và sự chết đang cư ngụ trong chúng ta. Phao-lô đã than thở rằng “Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể của sự chết này” (Rô-ma 7:24). Khi chúng ta tập thể thao, chơi trò chơi và xem truyền hình, cả người chúng ta rất tỉnh táo. Nhưng khi đến với những điều thuộc linh, như cầu nguyện và đọc Lời Chúa, hoặc đi nhóm, thì đột nhiên chúng ta cảm thấy uể oải.Tại sao lại như vậy? Có lẽ chúng ta nghĩ rằng vì mình mệt. Đó không phải là lý do. Nhưng thực tế đó là sự chết đang hành động trong chúng ta. Sự chết là kẻ thù rất mạnh. Nếu chúng ta mất sự bình tĩnh, thì chúng ta rất mạnh, còn khi chúng ta phục vụ những thánh đồ, chúng ta lại trở nên yếu ớt và lười biếng. Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa đã ba lần thấy môn đồ của mình đang ngủ thay vì cầu nguyện. Chúa nói: “Tâm linh thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Ma-thi-ơ 26:36-46). Đó là do sự chết đang hoạt động trong xác thịt của chúng ta. Nhưng nhân tính của Chúa Giê-su thì tràn đầy sự sống phục sinh, sự sống này đã chiến thắng sự chết. Cho nên không có gì lạ khi Phao-lô khao khát muốn biết quyền năng sự phục sinh của Ngài. (Phi-líp 3:10).
Bánh có muối
Một thành phần khác trong của lễ thức ăn tuyệt vời này là muối. Muối được sử dụng làm gia vị để mang lại hương vị của thức ăn. Nếu không có muối, món súp gà sẽ không ngon, nhưng nếu chúng ta đổ cả bịch muối vào, món súp sẽ rất mặn, không còn ăn được. Chỉ cần một chút muối để làm nổi bật hương vị cho món ăn. Cô-lô-se 4:6 chép rằng “Lời nói của anh em phải luôn có ân hậu và nêm thêm muối, để anh em biết phải đối đáp thế nào với mỗi người”. Chúa cũng nói trong Mác 9:50 “Muối vốn là tốt, nhưng nếu muối mất mặn, thì làm thế nào cho mặn lại được?” Khi Chúa sống trên đất, con người đã nếm được ân điển của Đức Chúa Trời ở trong Ngài. Phi-e-rơ đã bày tỏ điều này: “nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào” (1.Phi-e-rơ 2:3). Khi chúng ta giảng Phúc Âm, người ta có nếm được điều gì từ Đấng Christ ở trong nhân tính của chúng ta không? Phao-lô đã biết được bí mật của gia vị muối “...và qua chúng tôi, Ngài làm cho hương thơm về sự hiểu biết Ngài lan tỏa khắp nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Đấng Christ dâng lên Đức Chúa Trời giữa những người được cứu rỗi… là mùi sự sống, dẫn đến sự sống” (2.Cô-rinh-tô 2:14-16).
Muối còn được dùng để bảo quản thực phẩm. Nhân tính của chúng ta rất dễ bị tha hóa vì chúng ta khó chống lại sự cám dỗ. Ngày nay trong thế giới chính trị và tôn giáo, chúng ta thấy rất nhiều sự tha hóa ở khắp nơi. Nhưng chỉ có nhân tính của Chúa mới không thể bị tha hóa được. Sa-tan đã cám dỗ Ngài bằng vinh quang của cả thế giới, nhưng Chúa đã chống lại và từ chối nó. Chúa nói với các môn đồ rằng “…hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Đền Tạm trong Cựu Ước được xây dựng bằng gỗ cây si-tim, đây là một loại gỗ cứng, có khả năng chống được hao mòn. Đó là hình ảnh của nhân tính Chúa không bao giờ bị tha hóa. Ngày nay chúng ta phải xây dựng Hội Thánh của Chúa phải bằng nhân tính của Chúa Giê-su. Nếu không, sớm hay muộn, sự hư hoại sẽ len lỏi vào và phá hủy Hội Thánh.
Được chuẩn bị bằng nhiều cách khác nhau
Của lễ thức ăn không chỉ được dâng dưới dạng bột mịn, mà có thể được dâng dưới dạng bánh, được chế biến theo nhiều cách khác nhau: nướng trong lò, hoặc chiên bánh trên chảo, hoặc trong nồi đun trên lửa (Lê-vi Ký 2:4-7). Những điều này mô tả các loại đau khổ và áp lực khác nhau mà Chúa Giê-su đã trải qua khi sống trên đất này. Chúng ta có xu hướng né tránh tất cả loại đau khổ và tìm kiếm con đường dễ dàng để thoát khỏi những tình huống đó. Tuy nhiên, sách Hê-bơ-rơ cho biết rằng Chúa Giê-su đã trở nên trọn vẹn nhờ sự chịu khổ (Hê-bơ-rơ 2:10; 5:8-9).
Bánh không men và bánh tráng không men được dâng để làm của lễ thức ăn. Chữ “bánh” trong câu Lê-vi Ký 2:4 trong tiếng Hebrews xuất phát từ động từ “đâm xuyên” hoặc “đục lỗ”. Chúa đã cam chịu tất cả các loại ngược đãi từ người ta, nhưng Ngài không hề né tránh bất cứ điều gì. Thi Thiên 22 đã nói tiên tri về những đau khổ mà Đấng Christ phải chịu trên thập tự giá một cách chi tiết “Vì những chó con vây quanh tôi, một lũ hung ác vây phủ tôi, chúng nó đâm thủng tay và chân tôi” (Thi Thiên 22:16). Điều này cũng được nói trong Xa-cha-ri 12:10 “Chúng sẽ nhìn xem Ta là Đấng chúng đã đâm”. Trên thập tự giá, một tên lính đã làm ứng nghiệm lời tiên tri này bằng cách lấy giáo đâm vào sườn Ngài (Giăng 19:34). Không ai có thể tự nguyện chịu khổ như vậy! Khi chúng ta trải qua một chút đau khổ, chúng ta bắt đầu lầm bầm và phàn nàn, để chiến đấu và trả đũa lại. Nếu ai đó xúc phạm chúng ta chỉ một chút, thì chúng ta bùng nổ như một ngọn núi lửa. Chúa đã bị nướng qua những đau khổ đó để trở thành những chiếc bánh cho dân Ngài để ăn.
Của lễ thức ăn là thức ăn cho những thầy tế lễ
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta cần thấy rằng Đức Chúa Trời chỉ yêu cầu một nắm bột mịn để dâng lên cho Ngài trong của lễ thức ăn, và phần còn lại được ban cho các thầy tế lễ để làm thức ăn cho họ. Qua đó, chúng ta hiểu tại sao Chúa nói Ngài là bánh từ trời xuống để chúng ta ăn Ngài và sống bởi Ngài (Giăng 6:57). Điều này nghe có vẻ lạ nhưng Chúa đang nói về việc nuôi dưỡng tâm linh hằng ngày nhờ Lời sống của Ngài và bởi Thánh Linh. Bằng cách này, con người bên trong của chúng ta sẽ được thêm sức để chúng ta có thể sống bởi Đấng Christ. Chúng ta thường xin Chúa thêm sức chúng ta. Nhưng câu trả lời của Chúa là hãy ăn Ngài, bởi vì chỉ bằng cách ăn Ngài, chúng ta mới có sức mạnh chiến thắng nhân tính sa ngã của chúng ta và mặc lấy Đấng Christ như là người mới. Ngày qua ngày, chúng ta có thể ăn nhân tính của Chúa Giê-su như là của lễ thức ăn. Nhờ đó, chúng ta có thể sống cho Đấng Christ và có khả năng thực hiện ý Cha trên đất này.
(Dịch từ phần “The Meal Offering” trong sách “Christ as Spiritual Sacrifices Acceptable to God” của Thechurchinfountainvalley.org)