Sau khi giải phóng dân Israel ra khỏi Ai Cập, Đức Chúa Trời cho biết mục tiêu của Ngài đối với họ: “Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời Ta và giữ sự giao ước Ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về Ta, vì cả thế gian đều thuộc về Ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho Ta” (Xuất Ai Cập 19:5-6). Ngài chuộc họ để họ trở thành một tài sản đặc biệt của Ngài.
Tuy cả thế giới đều thuộc về Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã chọn dân Israel để trở thành một dân tộc thánh thuộc riêng Ngài. Đức Chúa Trời muốn họ trở thành một nước thầy tế lễ, có nghĩa là mọi người đều là thầy tế lễ. Nhưng sau đó, họ đã phạm tội thờ con bò vàng, nên chỉ mình chi phái Lê-vi mới được làm thầy tế lễ. Như vậy ý định có một “nước thầy tế lế” của Đức Chúa Trời lúc đó không thành.
Nhưng khoảng 1300 năm sau, sứ đồ Phi-e-rơ viết thư gửi cho tất cả các Cơ Đốc nhân: “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (1.Phi-e-rơ 2:9). Ở đây, Đức Chúa Trời đã dùng Phi-e-rơ để lập lại lời Ngài trong Xuất Ai Cập 19:5-6. Trong thời Tân Ước, chúng ta là dân thánh, là dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, và tất cả Cơ Đốc nhân đều là thầy tế lễ. Nhưng Cơ Đốc nhân chúng ta có thực sự là dân thánh không? Một thực tại đáng buồn là sự ô uế tràn ngập trong Cơ Đốc giáo, còn đời sống chúng ta cũng không khác gì người ngoại. Xin Chúa thương xót chúng ta, làm chúng ta trở thành dân thánh, trở thành tài sản đặc biệt của Ngài, để Ngài có thể hãnh diện vì chúng ta.
Cơ Đốc nhân đã trở thành thầy tế lễ như thế nào?
Khải Huyền 1:6 cho biết các Cơ Đốc nhân đã trở thành thầy tế lễ như thế nào: “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta trở thành nước và các thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và Cha Ngài” (Khải Huyền 1:6). Khi nhắc đến huyết Đấng Christ, đa số các Cơ Đốc nhân chỉ nghĩ đến sự tha tội mà không ý thức rằng huyết Đấng Christ làm chúng ta trở trở nên nước và các thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Rửa sạch tội lỗi chỉ là khởi đầu của sự cứu rỗi chứ không phải là mục tiêu. Mục tiêu của sự cứu rỗi là làm chúng ta trở thành vua và thầy tế lễ của Đức Chúa Trời.
Chúa đã lập lại điều này một lần nữa trong Khải Huyền 5:9-10 “Ngài đã chịu giết lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước, và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất”. Sau khi dân Israel năm xưa sa ngã, làm ý định có một “nước thầy tế lễ” của Đức Chúa Trời không thành. Nhưng Đức Chúa Trời không từ bỏ ý định của Ngài mà vẫn đeo đuổi ý định đó. Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến và chịu chết, không chỉ nhằm để cứu chúng ta khỏi hồ lửa đời đời mà còn làm ý định có một “nước thầy tế lễ” trong Xuất Ai Cập 19:6 trở thành hiện thực. Những câu này cho thấy rõ một điều là thầy tế lễ không phải những người học thần học hay tu ở trong tu viện, mà là tất cả những người đã được chuộc bằng huyết báu của Chúa Giê-su, bao gồm tôi và anh em. Trong tương lai, chúng ta sẽ không ở đâu đó trên trời như nhiều người lầm lẫn, mà các thầy tế lễ của Đức Chúa Trời sẽ trị vì trên trái đất này.
Đặc quyền của thầy tế lễ
Phục Truyền 10:8-9: “Trong lúc ấy, CHÚA biệt riêng chi phái Lê-vi, để khiêng hòm giao ước của CHÚA, đứng trước mặt CHÚA, phục vụ Ngài, và nhân danh Ngài chúc phước cho đến ngày nay. Vì thế, Lê-vi không được chia phần hay được sản nghiệp gì với anh em mình, vì CHÚA là cơ nghiệp của ông, như CHÚA đã hứa với ông“. Sau khi vào xứ tốt lành, trừ chi phái Lê-vi thì 11 chi phái khác đều được chia đất đai để làm cơ nghiệp. Người Lê-vi không được chia đất đai, nhưng họ nhận được một điều khác quý giá hơn gấp bội lần: chính Đức Chúa Trời là cơ nghiệp của họ. Là thầy tế lễ, chúng ta được phép đến gần Đức Chúa Trời và phục vụ Ngài. Chúng ta được sống trong sự hiện diện Ngài. Anh em có ý thức được điều này không?
Đức Chúa Trời đã phán với A-rôn trong Dân Số 18:7: „Nhưng ngươi và các con trai ngươi phải thận trong thi hành chức tế lễ trong tất cả những việc liên quan đến bàn thờ và phía trong màn; các ngươi phải làm việc mình tại đó. Chức tế lễ Ta ban cho các ngươi là một đặc ân. Người ngoài nào đến gần sẽ bị xử tử”. Chức tế lễ là một món quý giá, là một đặc ân mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Anh em chỉ muốn làm kỹ sư, bác sĩ, làm sếp, hay làm nhân viên cho tập đoàn quốc tế, nhưng anh em không ý thức và không biết trân trọng rằng mình là thầy tế lễ của Đấng Tối Cao. Được phục vụ Đức Chúa Trời đã là một ân huệ đặc biệt, là điều cao quý nhất trong vũ trụ này rồi. Không phải ai cũng đến gần Đức Chúa Trời được. Trong Dân Số 16, Cô-rê và bè đảng của ông đã bị Đức Chúa Trời xử tử vì dám dâng hương cho Ngài dù họ không phải là thầy tế lễ. Thầy tế lễ là những người được Đức Chúa Trời tin tưởng và cho phép đến gần. Đó là một ân huệ đặc biệt mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta.
Khi Chúa Giê-su trở lại trái đất này, Ngài sẽ lập vương quốc một ngàn năm ở trên trái đất, chứ Ngài không mang chúng ta lên trời. Lúc đó, các thầy tế lễ sẽ cùng trị vì với Chúa: “Những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm” (Khải Huyền 20:6). Khải Huyền 5:10 cũng cho biết các thầy tế lễ sẽ trị vì trên mặt đất. Nếu chúng ta muốn trong tương lai cùng trị vì với Chúa thì bây giờ chúng ta phải thực hành chức tế lễ.
Nhiệm vụ chính của thầy tế lễ
Lê-vi 21:6 cho biết nhiệm vụ chính của một thầy tế lễ trong thời Cựu Ước: “Họ sẽ biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời mình, và không được làm ô danh Ngài, vì họ phải dâng các của lễ dùng lửa lên cho CHÚA; đó là thức ăn của Đức Chúa Trời của họ; vì vậy họ phải nên thánh” (Lê-vi 21:6). Thầy tế lễ có một nhiệm vụ đặc biệt là dâng của lễ cho Đức Chúa Trời. Các của lễ dùng lửa chính là thức ăn cho Đức Chúa Trời. Vì các thầy tế lễ phải dâng thức ăn cho Đức Chúa Trời nên họ phải nên thánh và biệt riêng cho Ngài. Trong Dân Số 28:2, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho dân Israel: “Các ngươi phải chú ý dâng cho Ta đúng thời điểm ấn định các của lễ, tức là thức ăn của Ta từ các của lễ dùng lửa của Ta, như là mùi thơm đẹp lòng Ta” (Dân Số 28:2). Câu này cũng cho biết các của lễ chính là thức ăn của Đức Chúa Trời để Ngài thưởng thức và làm Ngài thỏa lòng. Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời cần thức ăn để Ngài thỏa lòng. Anh em nghĩ trong thời Tân Ước, Đức Chúa Trời không cần thức ăn, không cần các của lễ nữa sao?
Trong thời Tân Ước, việc dâng của lễ cũng là nhiệm vụ chính các thầy tế lễ thời Tân Ước. 1.Phi-e-rơ 2:5: “Anh em cũng như các viên đá sống, được xây nên nhà thuộc linh, là chức tế lễ thánh, để dâng các của lễ thuộc linh làm đẹp lòng Đức Chúa Trời nhờ Giê-su Christ”. Là Cơ Đốc nhân, các thầy tế lễ thời Tân Ước, nhiệm vụ chính của chúng ta cũng phải là dâng của lễ cho Đức Chúa Trời để làm Ngài đẹp lòng. Các của lễ này không phải là vật chất như con bò, con chiên, … thời Cựu Ước mà chính là thực tại của Đấng Christ. Các của lễ này không phải là hiểu biết về Đấng Christ mà là kinh nghiệm thực tế của chúng ta với Đấng Christ qua cuộc sống mỗi ngày. Vào ngày Chúa Nhật, chúng ta lấy những kinh nghiệm này làm của lễ thuộc linh để dâng cho Cha, để làm Cha thỏa lòng. Hiểu biết về Đấng Christ không thể nào làm Cha thỏa lòng. Cha chúng ta chỉ thỏa lòng khi chúng ta sống bởi Đấng Christ và trải nghiệm Ngài thôi.
Vì dâng của lễ là nhiệm vụ của chúng ta, nên chúng ta cũng phải biệt riêng mình ra thánh. Đó là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời: “Như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em phải thánh trong mọi cách ăn ở của mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (1.Phi-e-rơ 1:15-16, xem Lê-vi 19:2). Hê-bơ-rơ 12:14 cho biết rằng nếu không nên thánh thì chúng ta không thể thấy Đức Chúa Trời được.
Kết luận
Chương đầu và chương cuối của một quyền sách thường là hai chương quan trọng nhất, tóm tắt nội dung chính mà tác giả trình bày. Quyển Kinh Thánh cũng vậy. Nếu phần đầu của Kinh Thánh (5 sách Môi-se) và phần cuối của Kinh Thánh (sách Khải Huyền) nói đến nước thầy tế lễ thì toàn bộ Kinh Thánh cũng xuyên suốt điều này. Trong Sáng Thế 14, Áp-ra-ham đã từng gặp gỡ thầy tế lễ Mê-chi-xê-đéc, lúc đó chưa có Môi-se và luật pháp Đức Chúa Trời. Trong thời Môi-se thì có A-rôn và các con của ông là các thầy tế lễ. Vào thời Tân Ước thì Chúa Giê-su là thầy tế lễ thượng phẩm theo trật tự Mên-chi-xê-đéc (xe Hê-bơ-rơ 7) còn Cơ Đốc nhân chúng ta là các thầy tế lễ. Trong tương lai, sau khi Chúa trở lại cũng có các thầy tế lễ (Khải Huyền 20:6). Nguyện xin Chúa mở mắt chúng ta để chúng ta thấy được chức tế lễ thánh là chương trình đời đời của Đức Chúa Trời. Xin Chúa đào tạo chúng ta để chúng ta thi hành chức tế lễ.